Thứ Năm, 13/11/2014 09:06

Buồn cho đời sách

Sách bây giờ không thiếu, ra các nhà sách thì đầy, giấy đẹp, in ấn sang trọng, rõ ràng. Vậy nhưng, tôi vẫn thèm được thỉnh thoảng ghé vào những chiếu sách cũ bày bán bên các lề đường. Vì rẻ? cũng có. Nhưng quan trọng hơn là được thỏa thuê lục lọi, tìm kiếm và đôi lúc reo vui vì may mắn gặp được những cuốn sách mình cần mà có khi nhà sách không có.

Trong những lần ghé chiếu sách cũ như thế, tôi vẫn bắt gặp những cuốn sách có lời đề tặng của tác giả, nào là "Kính tặng....", "Quý tặng...", "Mến tặng...", "Thương tặng...","Yêu tặng..."; hay rườm rà hơn: "Kỷ niệm cho một lần...", "Để nhớ về...". Tất cả đều được viết với nét chữ nắn nót nhất, gửi gắm vào đó với tất cả niềm trân trọng, yêu thương... Vậy nhưng, không biết hẩm hiu thế nào mà chúng được mang bán đồng nát, để rồi ra nằm trên chiếu sách cũ. Thế cũng gọi là còn may mắn lắm, nếu không thì có khi bị "phay" thành bột giấy, hoặc nữa bị xé gói cái này gói cái nọ thì càng... "khốn nạn" cho cái đời sách.

Những cuốn sách đã quá cũ thì ừ thôi, cũng dễ hiểu. Có thể do chủ nhân của nó đã qua đời mà người thừa kế lại không quý sách; hoặc do chuyển nhà lập nghiệp nơi xứ khác mà không đủ diều kiện để mang sách đi đành cho sách lưu lạc... Đó là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, điều không thể hiểu nổi là có những cuốn sách mới xuất bản, chẳng hạn như tập "Thế giới..." của anh H.; "Đôi điều..." của ông T. - là những tác giả mà tôi có quen biết. Sách của anh H. thì in cách đây khoảng ít năm, còn cuốn của bác T. thì mới chỉ ra đời năm 2015, đề tặng năm 2016. Sách vẫn còn thơm mùi mực, mùi giấy, lời đề tặng như vẫn đang còn phập phồng, tươi rói. Vậy mà không hiểu sao người được tặng sách vẫn nỡ cho chúng ra lề đường chen vai cùng sách cũ? Các tác giả nọ "không may" lạc bước vào thăm những địa chỉ bán sách cũ, bất chợt bắt gặp những đứa con tinh thần của mình bị người ta hắt hủi như vậy, không biết cảm giác sẽ như thế nào? Chắc là sẽ bùi ngùi, cám cảnh lắm...

Thú thật, tôi cũng có theo đòi viết lách đôi chút, cũng có ý định bỏ ống để in một cuốn ti toe với thiên hạ, tặng bạn tặng bè cho vui. Sau những lần như thế, bỗng dưng thấy hết hào hứng cho cái ý định in sách của mình.

Huy Khánh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Viết nên những giấc mơ thật
Viết nên những giấc mơ thật

Cho dù đã xảy ra những điều không hay và để rồi dẫn đến đơn vị tổ chức đã phải bị phạt về việc liên quan đến bán sách lậu và sách không nằm trong danh mục được cấp phép nhưng tôi vẫn thích khẩu hiệu “Read the true books, write the true dreams” (tạm dịch: Đọc những cuốn sách hay, viết nên những giấc mơ thật) của Hội sách “Vietnam Book Fair Tour” 2020, vừa được tổ chức tại Huế cách nay không lâu.

Chuyện nhặt ở nhà sách
Chuyện nhặt ở nhà sách

Nhiều lần cho con đi nhà sách, tôi nhìn thấy nhiều chuyện nho nhỏ nhưng thật ra lại không nhỏ chút nào, đó là những câu chuyện về ý thức, về văn hóa đọc mà các bậc cha mẹ nên dạy con từ… thuở còn thơ.

Trốn nóng từ siêu thị, nhà sách đến quán cà phê
Trốn nóng từ siêu thị, nhà sách đến quán cà phê

Trong khi bên ngoài đường phố lưa thưa xe cộ bởi cái nắng nóng oi bức thì bên trong các siêu thị, nhà sách, quán cà phê có lắp đặt hệ thống điều hòa… kín mít người. Họ tìm đến đó, bên cạnh các nhu cầu cá nhân thì gần như ai cũng có chung tâm lý tránh nắng nóng.

Mở lòng với sách
Mở lòng với sách

Mấy năm trước, thấy nhà văn - dịch giả Bửu Ý in cùng lúc 3 tác phẩm, tổ chức ra mắt tại Nhà sách Phương Nam rầm rộ, tôi đã nghĩ ông là nhà văn lập kỷ lục xuất bản sách tại Huế; không ngờ, Nhụy Nguyên (NN) từ cuối năm 2018 đến nay đã cho in liên tục ít ra là 7 đầu sách. Mới nhất là tập nghiên cứu phê bình “Như thú vui trà đạo” (NXB Văn hoá - Văn nghệ, tháng 3/2019).