Thứ Năm, 11/09/2014 12:59

Cốt cách Huế trong tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào

Tôn Thất Đào được các thế hệ họa sĩ tài hoa mệnh danh là một họa sĩ bậc thầy của Huế.

Quả thật không quá chút nào, vì chỉ cần xem tác phẩm “Ngự Bình” là có thể chiêm nghiệm rõ điều này. Thật ra, để nhìn thấy núi Ngự là một cô gái thì cần cả một quá trình chiêm nghiệm. Chính lối tư duy độc đáo này đã nâng cao giá trị của tác phẩm và tạo thêm danh tiếng của tác giả. Bức tranh “Ngự Bình” được giới chuyên môn uy tín đánh giá là một kiệt tác. Chỉ cần một tác phẩm hội họa đã khiến người thưởng ngoạn nhận ra cả một vùng đất văn vật. Ngự Bình được hóa thân trong bút pháp điêu luyện của họa sư với hình dáng một người con gái trong chiếc áo dài gấm hoa đang nằm trong tư thế e ấp, kín đáo, tay ôm bình gốm, với đoá sen hồng nghiêng đổ về tạo ra một dòng sông thơ mộng, những cánh sen hồng như những chiếc thuyền đang trôi trên dòng sông trắng, hai bên bờ lớp lớp những trầm tích được thể hiện như những tàng thư nối nhau từ ngọn nguồn về cố quận. Phía đằng sau núi Ngự trong bức tranh là một khoảng trời mây với vầng trăng tròn đang soi mình cho những khu vườn màu lục non chập chùng. Và rồi, hai câu thơ của thi nhân Bùi Giáng về xứ Huế: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Ôi, thi trung hữu họa, những người tài thường đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

Với sông Hương, họa sĩ Tôn Thất Đào diễn đạt trọn vẹn sự chuyển động qua hình ảnh những con đò cùng với những sinh hoạt tấp nập trên dòng sông của một thời chưa xa. Tác phẩm “Cá về” là một cảnh sinh hoạt của những người làm nghề sông nước với lối tả thực sinh động qua hình ảnh nhiều con đò và người người nhộn nhịp đang cập bến dưới ánh bình minh màu nắng sớm. Bức tranh “Ca Huế” là hình ảnh những nghệ nhân với những nhạc cụ trong bộ ngũ tuyệt... hợp thành một dàn nhạc bác học tôn vinh và chắp cánh cho lời ca Huế. Hay bức “Thiếu nữ bên hoa sen”, bức “Chân dung”... là những quan sát và thể hiện tinh tế của họa sĩ về trang phục của người thiếu phụ Huế giai đoạn đó. Tác giả còn vẽ hàng loạt tranh phong cảnh về Huế, về Đại Nội, các lăng tẩm đền đài, sông Hương, làng quê,... với bút pháp lãng mạn, trữ tình.

Ngoài vẽ trên chất liệu lụa, họa sĩ Tôn Thất Đào còn làm sơn mài, vẽ sơn dầu... với các bức lụa Đàn thập lục, Nhà bè... vào những năm mới ra trường và các họa bản “Trầm bay nhạt khói”, bức “Gió đưa lay rèm” vẽ cho truyện Kiều. Đến bây giờ đã gần 38 năm kể từ ngày họa sĩ Tôn Thất Đào rời cõi tạm, nhưng nhiều tác phẩm của ông vẫn còn ở lại trong ngôi nhà nhỏ ở số 53 đường Mạc Đĩnh Chi (P. Phú Cát - TP. Huế). Toàn bộ tác phẩm của vị họa sĩ khả kính này không được bảo quản tốt trong không gian khiêm tốn đó nên phần nhiều đã xuống cấp trầm trọng. May mà còn người con dâu vẫn quan tâm nên thỉnh thoảng đưa ra phơi nắng theo sự chỉ dẫn của các học trò thầy Đào.

Họa sĩ Tôn Thất Đào tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa 8 (1932- 1937), cùng với Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Khánh, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Văn Thâu, Nguyễn Văn Thiện, Lê Yên và Nguyễn Thị Nhung... Theo họa sĩ Đinh Cường, vào năm 1939, họa sĩ Tôn Thất Đào được bổ nhiệm về dạy ở Lycée Khải Định và Collège Đồng Khánh với ngạch Professeur de 4ème classe. Năm 1941, dưới thời vua Bảo Đại, ông đã được đề cử vào Đại Nội dạy cho Thái tử Bảo Long vẽ. Ông tham gia nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước: Hà Nội (1939), Sài Gòn (1945), Cao Miên (1939), Nhật Bản (1940) và Vatican (1950)… cùng nhiều giải thưởng cao quý, bằng khen của Bộ Giáo dục và Nha Mỹ thuật về những đóng góp xây dựng Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế...

Tôn Thất Đào (1910-1979) là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ông thuộc dòng dõi chúa Nguyễn Phúc Chu, là cháu nội của đại thần Tôn Thất Loan - Binh bộ Thượng thư, kiêm Hữu Tôn khanh Tôn Nhơn phủ triều Nguyễn. Ông đã qua đời nhưng tác phẩm của ông vẫn còn để lại, rất mong các cơ quan chức năng, các thế hệ yêu văn hóa nghệ thuật tìm cách bảo quản và lưu giữ một phần hồn của Huế xưa qua các tác phẩm của một bậc thầy hội họa xứ Thần kinh.

Lê Huỳnh Lâm

  Ý kiến bình luận