Chủ Nhật, 17/04/2011 05:56

Đọc “Nhà văn & thời cuộc” thấy thương yêu và trách nhiệm trước quê hương

Từ những năm qua, tôi cũng như nhiều bạn đọc khác không những biết đến nhà văn Nguyễn Khắc Phê qua các tiểu thuyết được giải thưởng của ông như “Chỗ đứng người kỹ sư” - giải thưởng Văn học đề tài công nhân 5 năm (1975-1980) của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức; “Những cánh cửa đã mở” – giải thưởng “Bông sen trắng” hạng A của UBND tỉnh Bình Trị Thiên; “Nếu được chết thay em” hạng B, “Thập Giá giữa rừng sâu”, hạng A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; “Biết đâu địa ngục thiên đường” - giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2006-2009)... mà còn biết ông là một nhà văn, nhà báo viết chính luận sắc sảo phản ánh nhiều vấn đề thiết thân, cấp bách trong cuộc sống. Bằng bút lực sung mãn, nội dung phong phú, đa diện, ông đã chiếm được nhiều tình cảm trong lòng bạn đọc và là cây bút tin cậy của nhiều tờ báo trong cả nước.

Tác phẩm Nhà văn & Thời cuộc, tuyển tập văn chính luận của nhà văn Nguyễn Khắc Phê do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép in vào quý 2/2013 là công trình mới nhất, đánh dấu thành quả đầy tâm huyết của một công dân khi chứng kiến những biến thiên thời cuộc của xã hội, như nhà văn đã bộc bạch: “Trước cuộc sống sôi động với không ít thách thức và nguy cơ đe dọa tiến trình “Đổi Mới” đất nước, khiến văn hóa, đạo đức suy thoái, thậm chí đe dọa sự sống của cả nhân loại, cũng như không ít nhà văn, nhà báo khác, với trách nhiệm một công dân, trong những năm qua, tôi đã nhiều lần lên tiếng bằng thể văn chính luận – một thể loại ngắn gọn, tác chiến kịp thời, với hy vọng mỗi bài viết được làm phận sự như là một “viên đạn” tiếp sức cho cuộc chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu xa đang diễn ra mọi nơi, mọi lúc…”

Với 75 tác phẩm báo chí chọn lọc trên hơn mười năm qua được tập hợp trong Nhà văn &Thời cuộc, tác giả đã sắp xếp có hệ thống thành ba phần với các tiêu đề: Phần thứ nhất: Những bài học đắt giá; Phần thứ hai: Văn hóa & Phản văn hóa; Phần thứ ba: Khi cái Đẹp thật sự được lên ngôi. Bằng phương thức này, nhà văn Nguyễn Khắc Phê giúp người đọc nhanh chóng cảm nhận trực tiếp nội dung các sự kiện được mô tả vừa chi tiết, vừa khái quát, sinh động qua từng bài viết.

Trong phần Những bài học đắt giá, tác giả đã rất có trách nhiệm khi mạnh dạn nêu lên những điều cốt lõi mang tính phản biện, đặt vấn đề với tổ chức, với công chúng. Những trang viết Bài học từ “đêm trước” đổi mới, Đảng & Quốc hội, Để những ông “Hoàng” không làm khổ dân, Khi suy thoái đạo đức lối sống hiện hình thành những con số, Thông tin với dân phải trung thực, Xà xẻo tiền Tết cho hộ nghèo, Tham nhũng & suy thoái văn hóa, 60 năm trước – Nhâm Thìn 1952, Hồ Chí Minh đã nói… tạo nên những hiệu ứng đầy cảm xúc trong lòng người đọc. Những người chí cốt với đất nước quê hương nhất định sẽ đồng cảm cùng ông: “…nếu tổ chức Đảng ở mọi cấp thực sự quyết tâm, thực sự làm đúng di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ đảng viên phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” phải là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng suy thoái đạo đức lối sống. Cắt bỏ ung nhọt ngay trong cơ thể mình là điều đau đớn, nhưng đã là “trọng bệnh”, đã thành “quốc nạn”, không lẽ bó tay chờ chết?” (Khi suy thoái đạo đức lối sống…hiện hình thành những con số).

Những bài viết trong phần Văn hóa & Phản văn hóa tác giả đã lần lượt dẫn dắt người đọc vào một hành trang khác. Nỗi day dứt, băn khoăn về hiện tượng suy đồi, xuống cấp văn hóa của một bộ phận không nhỏ hiện nay của xã hội đang thường trực hiện hữu trong tâm thức nhiều người. Văn hóa và phản văn hóa luôn đồng hành cùng cuộc sống. Được và mất, hai mặt tương phản này thường phơi bày cụ thể trong cộng đồng xã hội. Làm thế nào để cái xấu bị triệt tiêu, chỉ còn lại những gì đẹp nhất là ước mơ, khát vọng trong cuối mỗi bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê: “Mong rằng, tất cả chúng ta, chứ không chỉ các bạn trẻ, hãy gìn giữ lối sống trung thực - một bản lĩnh, một vẻ đẹp tự nhiên, như lá cây thì xanh, như biển thì mặn, chẳng bận tâm đến chuyện “được-mất”. Vì chỉ như thế mới xứng đáng với hai chữ CON NGƯỜI viết hoa…”(Đã nói đến “trung thực” không tính chuyện “được-mất).

Là một người thiên về sự ngợi ca, xưng tụng chân thiện mỹ, xiển dương vẻ đẹp thuần khiết chân chính của con người: “Mỗi con người là một đài hoa/ Ta trân trọng đời nhau ta sống/ Mỗi con người là một cung đàn/ Ta tìm đến tình nhau hy vọng…” nên tôi càng chí thú hơn với phần Để Cái Đẹp thật sự được lên ngôi trong Nhà văn & Thời cuộc. Trong phần này, một không gian văn hóa phóng khoáng cảnh và người được mở ra trân quý, trang trọng. Những ảnh sắc thiên nhiên, những chứng tích văn hóa, lịch sử, các sinh hoạt dân gian đời thường cũng như không khí lễ hội hoành tráng của nước non mình được hòa quyện tôn vinh cùng các danh nhân văn hóa, văn học nghệ thuật xưa, nay…

Xin cảm ơn “Nhà văn & Thời cuộc” đã giúp tôi tiếp cận được một Nguyễn Khắc Phê nhạy bén, cứng cựa, phản biện trong hai phần đầu của tập sách. Tôi và có lẽ bạn đọc nữa còn bắt gặp một Nguyễn Khắc Phê điềm đạm, đôn hậu khi viết về Cái Đẹp của người và cảnh.

Tôi hình dung người và cảnh trong văn phong Nguyễn Khắc Phê “mỗi con người là một dòng sông/ Gặp biển lớn dạt dào nhịp sóng!” để từ đó Nhà văn & Thời cuộc càng gắn bó nhau hơn qua những trang đời đầy ắp tình thương yêu và trách nhiệm trước quê hương.

Võ Quê
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM