Thứ Tư, 03/07/2019 06:42

Đưa áo dài Huế sang Úc

Từ niềm đam mê với áo dài, cô gái người Huế Nguyễn Giang Thanh cùng các cộng sự thành lập VietCharm để quảng bá và lan tỏa áo dài Huế tại Úc.

Giới thiệu áo dài Huế tại Năm Du lịch quốc gia – Ninh BìnhGiới thiệu di sản Cố đô Huế qua nghệ thuật ký họa tại Ninh BìnhGiới thiệu chương trình “Người Huế & áo dài” qua hình thức online

Nguyễn Giang Thanh chăm chút cho từng mẫu thiết kế áo dài

Đam mê áo dài

Thị trường áo dài Huế gần đây xuất hiện cái tên áo dài VietCharm với những thiết kế thiên về áo dài truyền thống. Ngoài áo dài ngũ thân, VietCharm còn có nhiều mẫu áo dài được cách điệu hướng tới những người trẻ năng động nhưng vẫn giữ phom dáng của cổ phục, được trang trí hoa văn truyền thống hoặc họa tiết cung đình.

Nguyễn Giang Thanh, người sáng lập VietCharm là cô gái người Huế rất mê áo dài. Sau 7 năm sống ở Úc, cô quyết định trở về lập nghiệp ở quê nhà, đưa thương hiệu áo dài VietCharm từ Úc về Huế và đưa những thiết kế áo dài ở Huế lan tỏa trên nước Úc. 

Niềm yêu thích áo dài đến với Giang Thanh từ khi còn là nữ sinh. Thuở học trò, cô bé Thanh rất ngưỡng mộ cô giáo mặc áo dài đứng trên bục giảng, đơn giản vì thấy rất đẹp và duyên dáng. Tình yêu với áo dài nhen nhóm trong Thanh từ đó. Thời gian sống ở Úc là lúc Giang Thanh cảm nhận rõ nhất tình yêu của mình với áo dài. Bên cạnh nỗi nhớ nhà là khát khao cháy bỏng được mặc áo dài. Sống ở xứ người, Thanh rất hiếm khi được mặc và áo dài trở thành sự thèm khát.

Năm 2017, cuộc thi Miss Áo dài được người Việt tổ chức ở Melbourne, Úc. Cũng vì tên cuộc thi mà Giang Thanh đăng ký dự thi và đạt danh hiệu Á hậu, hoa hậu khả ái. Cũng trong năm đó, Thanh tham gia một nhóm múa truyền thống của người Việt và gặp Nguyễn Ngọc Yến, một du học sinh người Quảng Trị. Hai bạn trẻ chung niềm đam mê với văn hóa và áo dài quyết định thành lập VietCharm để đưa áo dài đến gần hơn với người Việt tại Úc, cũng như giới thiệu với bạn bè quốc tế về tà áo truyền thống của Việt Nam.

Trình diễn áo dài tại Úc

Giang Thanh trở về Huế làm việc với hai nhà thiết kế Trần Thiện Khánh và Viết Bảo. Được hai nhà thiết kế ủng hộ hết mình, VietCharm bắt đầu đưa áo dài Huế sang Úc. Thanh kể: “Để quảng bá và lan tỏa áo dài đến cộng đồng người Việt và cả người Úc, VietCharm đem các bộ sưu tập đi trình diễn tại các lễ hội, festival và chương trình nghệ thuật. Với những lễ hội, tết của người Việt, ngoài trình diễn áo dài, VietCharm còn hỗ trợ áo dài cho các nhóm múa truyền thống, hỗ trợ trang phục áo dài cho các nhóm sinh viên trình diễn... Gần như bất cứ hoạt động nào có thể tham gia, em đều tận dụng để quảng bá áo dài Huế”.

Rời nước Úc với bao dự định còn dang dở, nhưng Giang Thanh quyết không từ bỏ áo dài. Ngọc Yến ở lại Úc sẽ là người tiếp tục lan tỏa tinh thần của áo dài VietCharm. Trở về Huế vào cuối năm ngoái, niềm đam mê với áo dài càng thêm cháy bỏng khi Giang Thanh tham gia Ngày hội Áo dài Huế 2020. Cô xúc động nhớ lại: “Khi tham gia trình diễn áo dài trên mảnh đất quê hương và nghe áo dài VietCharm được xướng tên trong đêm trình diễn, em rất xúc động và cảm nhận lửa nghề trong mình vẫn nguyên vẹn. Em nghĩ, máu nghề vẫn còn thì không bao giờ muộn để bắt đầu dù biết rất khó khăn. “Ngày hội Áo dài” là dấu ấn để em quyết định tiếp tục sự nghiệp với áo dài ở Huế, bắt đầu bằng việc đăng ký thành lập Công ty VietCharm hoạt động trong lĩnh vực sự kiện văn hóa và thời trang áo dài”.

Quảng bá văn hóa qua áo dài

Nếu trước đây VietCharm trình diễn và kinh doanh áo dài của các nhà thiết kế Huế thì từ khi về Huế, Giang Thanh bắt tay vào thiết kế sản phẩm của riêng mình. Những thiết kế áo dài ngũ thân, áo dài truyền thống, áo Nhật Bình cách tân với những mẫu họa tiết sen, tranh Đông Hồ hay họa tiết cung đình được khách hàng ở Úc đón nhận. Hướng tới nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, nhất là những người trẻ, thiết kế của Giang Thanh thường phối hợp giữa phom dáng cách tân với họa tiết cung đình một cách nhẹ nhàng, hoặc giữ phom dáng cũ của áo dài ngũ thân hòa với họa tiết hiện đại như mô tả các thần thái của sen lên tà áo...

Giang Thanh chia sẻ: “Về áo dài, em chưa dám nhận mình là nhà thiết kế vì chưa đủ chuyên môn, nhưng em muốn đưa áo dài hòa nhập với các bạn trẻ nên các mẫu thiết kế thường mang xu hướng trẻ trung. Em rất đề cao sản phẩm được làm bằng thủ công, vì nó thể hiện công sức và tay nghề của người thợ. Vì thế, thiết kế áo dài VietCharm được may thủ công, mỗi mẫu chỉ từ 1-3 sản phẩm chứ không may hàng loạt. Tất cả họa tiết được vẽ tay và thêu tay. Mỗi chiếc áo dài là sự kết hợp giữa ý tưởng của người thiết kế với tay nghề, sự sáng tạo của người thợ. VietCharm tự hào là đơn vị may áo dài thủ công ở Úc”.

Phần lớn các mẫu thiết kế đều được đưa sang Úc, hướng đến trang phục dự sự kiện, lễ hội và trang phục đồ cưới. Các cộng sự của Thanh ở Úc đảm nhiệm công việc giới thiệu, quảng bá và lan tỏa áo dài VietCharm. Điều vui là, áo dài VietCharm ngày càng được khách hàng ở Úc đón nhận. Nhiều bạn trẻ, kể cả người Việt sinh ra tại Úc chọn mặc áo dài truyền thống trong ngày cưới trọng đại, cả gia đình thông gia là người nước ngoài cũng mặc áo dài trong dịp này.

Nguyễn Ngọc Yến, người cùng sáng lập VietCharm tại Úc vui mừng cho hay: “Hiện tại Vietcharm đã là cái tên nổi bật nhất ở Melbourne và còn được biết đến ở các bang khác tại Úc, Mỹ và New Zealand. VietCharm là nơi đầu tiên và duy nhất có áo dài tự thiết kế, may thủ công, chú trọng chất lượng hơn giá thành nên là nơi mọi người nhắc đến khi muốn mua áo dài, không chỉ là người Việt mà còn cả các bạn nước ngoài”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên truyền, lan tỏa về xây dựng và phát triển văn hóa Huế, con người Huế
Tuyên truyền, lan tỏa về xây dựng và phát triển văn hóa Huế, con người Huế

Nghị quyết (NQ) 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo ra những tiền đề, định hướng quan trọng đối với tỉnh trong việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, văn hóa và con người đóng vai trò có tính quyết định. Văn hóa là nền tảng để phát triển ngành du lịch dịch vụ, ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh hiện nay.

Om ngự hồi sinh
Om ngự hồi sinh

“Ngọc oa ngự dụng” xưa đang dần được hồi sinh và hòa vào nhịp sống hiện đại để hội nhập và phát triển.

Những tín hiệu mừng phát triển di sản văn hóa Huế
Những tín hiệu mừng phát triển di sản văn hóa Huế

Trước đây, tôi thấy nghiên cứu di sản văn hóa Huế nếu không đưa được kết quả nghiên cứu di sản vào du lịch thì di sản đó chỉ còn lưu lại trong sách vở, chứ hoàn toàn vắng bóng trong đời sống văn hóa của xã hội. May sao, những di sản văn hóa Huế được công nhận đều được ngành du lịch vận dụng phục vụ khách du lịch. Đến năm 2025, tin tưởng thành phố Huế sẽ được Trung ương công nhận là thành phố văn hóa di sản trực thuộc Trung ương. Trong quá trình chuẩn bị thành phố Huế trực thuộc Trung ương xuất hiện nhiều hoạt động phát triển di sản văn hóa Huế rất tích cực.

Công nghiệp văn hóa với kinh đô áo dài Huế
Công nghiệp văn hóa với kinh đô áo dài Huế

Một khi xã hội càng phát triển, các nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, nhân loại càng đặt ra nhu cầu “sáng tạo” từ vai trò cá nhân người nghệ sĩ, để bồi bổ, tái tạo môi trường sống theo hướng kỹ nghệ hóa - công nghiệp văn hóa, thành một trung tâm để tụ hội và lan tỏa giá trị, gắn liền nhu cầu sản xuất, tạo ra sản phẩm.