Thứ Hai, 19/08/2019 14:05

Đưa di sản Hán - Nôm đến với cộng đồng

Di sản Hán - Nôm chứa đựng nhiều thông tin đa dạng về các lĩnh vực của đời sống xã hội, là mối dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Để đánh thức những giá trị tiềm ẩn của di sản Hán - Nôm còn phải làm rất nhiều việc, trước mắt là đưa được di sản đó đến với cộng đồng.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán-NômBảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm“Cứu” sắc phong

Triển lãm di sản Hán - Nôm (Ảnh chụp trước khi bùng phát dịch COVID-19)

Độc đáo và quý hiếm

Trong thư tịch Hán - Nôm của triều Nguyễn, bên cạnh số lượng tư liệu khá đồ sộ liên quan đến di sản văn hóa cung đình, như châu bản, mộc bản, các loại văn bản hành chính… được cơ quan nghiên cứu, lưu trữ lớn ở Trung ương và địa phương bảo quản, có các biện pháp kỹ thuật bảo vệ, giữ gìn thì hiện có một phần không nhỏ sắc phong, văn bằng, chiếu chỉ, gia phả dòng tộc, sách y dược cổ truyền… được các gia đình, dòng họ, làng xã trên địa bàn tỉnh lưu trữ, bảo tồn cho đến ngày nay.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, các văn bản này đa phần là độc bản, mang tính địa phương, độc đáo và quý hiếm, thể hiện truyền thống đáng tự hào của làng xã, gia đình ở mỗi địa phương nên được xem là nguồn văn bản quan trọng, có giá trị và ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về nhiều phương diện liên quan đến lịch sử văn hóa nước nhà và các yếu tố chuyên môn trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Qua thời gian, di sản Hán - Nôm đa dạng ở các làng xã, họ tộc, tư gia xứ Huế đã bị hư hỏng, thất thoát, không chỉ vì sự tàn phá của chiến tranh, ảnh hưởng khắc nghiệt của khí hậu, mà còn do quan niệm, nhận thức về lưu trữ, bảo tồn trong từng thời kỳ lịch sử có phần chưa được đầy đủ, chuẩn xác. Thời gian gần đây, nhiều tổ chức và cá nhân đẩy mạnh công tác số hóa, tiến tới bảo tồn di sản tư liệu Hán – Nôm một cách bền vững bằng các công nghệ và phương thức lưu trữ hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát huy các giá trị đặc sắc của nguồn tư liệu này.

Trong khuôn khổ chương trình sưu tầm, số hóa tài liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh do Thư viện Tổng hợp tỉnh và Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phối hợp triển khai từ năm 2009 đến nay, đã khảo sát, số hóa khoảng 400.000 trang tư liệu Hán – Nôm. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác này, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024. Theo đó, Thư viện Tổng hợp tỉnh sẽ sưu tầm, số hóa nhiều loại hình tư liệu Hán – Nôm quý hiếm lưu giữ tại các làng, dòng họ, tư gia. Dự kiến, sẽ thực hiện tại 100 làng, 320 họ tộc, nhà thờ họ, 40 phủ đệ và tư gia, 30 cơ sở tôn giáo… với khoảng 120-130 ngàn trang tư liệu.

Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, di sản Hán – Nôm là một kho tàng tri thức độc đáo, là một bộ phận của di sản Cố đô Huế. Để thúc đẩy các nhiệm vụ cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, cần có kế hoạch hình thành Thư viện Cố đô gắn với Tàng Thư Lâu vừa mới khôi phục, tiến tới thành lập thư viện Hán – Nôm Huế trong lòng Thư viện Tổng hợp tỉnh, phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán – Nôm thành lập Phân viện Nghiên cứu Hán – Nôm tại Huế, xuất bản bộ văn học Hán – Nôm Huế đặt trong “Tủ sách Huế”…

Đưa di sản đến với cộng đồng

Kế hoạch bảo tồn di sản Hán – Nôm phù hợp không chỉ giúp giữ gìn được giá trị di sản độc đáo này mà còn phải đưa được di sản đó đến với cộng đồng trong cuộc sống đương đại. Những giá trị chứa đựng trong di sản Hán – Nôm là tinh hoa văn hóa truyền thống, nhưng đến nay không mấy ai đọc được, hiểu được. Vì vậy, nhiệm vụ sắp tới của ngành văn hóa không chỉ tập trung vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị mà còn phải khai thác tốt, phù hợp và có hiệu quả các di sản tư liệu Hán – Nôm thông qua sự phối hợp chung tay của các cấp chính quyền, đơn vị quản lý và toàn thể cộng đồng.

Theo ông Phan Thanh Hải, cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm số hóa để làm nổi bật giá trị của di sản Hán – Nôm, cần đưa những giá trị đó đến với cộng đồng thông qua việc trưng bày, triển lãm, biên soạn, xuất bản ấn phẩm về di sản Hán – Nôm; dựng phim, phóng sự giới thiệu, quảng bá về giá trị độc đáo của di sản Hán – Nôm trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng…

Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh cho rằng, di sản Hán – Nôm chỉ thật sự phát huy giá trị khi được tổ chức khai thác sử dụng để phục vụ các hoạt động khác nhau của đời sống xã hội đương đại. Chính vì vậy, công tác tổ chức khai thác, sử dụng vốn tài liệu Hán – Nôm là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của các thư viện trong thời đại mới.

Song song với công tác sưu tầm số hóa Hán – Nôm tại các làng xã, có kế hoạch xuất bản những ấn phẩm tài liệu đã được số hóa, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu của độc giả. Thư viện Tổng hợp tỉnh sẽ xây dựng phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu điện tử Hán – Nôm phù hợp dễ dàng tra cứu trên phần mềm chung của thư viện, chia sẻ tài nguyên và cải thiện dịch vụ cung cấp thông tin cho người dùng tin trên mạng lan và mạng internet của thư viện, tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, phục vụ bạn đọc cũng như trưng bày, triển lãm, phục chế trao đổi… Thư viện sẽ xây dựng mới cũng như hoàn thiện hệ thống công cụ tra cứu đã có, ứng dụng nhiều phần mềm chuyên dụng tra tìm thông minh trên mạng internet, đa dạng hóa hình thức cung cấp thông tin, giúp bạn đọc có nhiều kênh lựa chọn trong việc tiếp cận, tra tìm tư liệu Hán – Nôm đang được lưu giữ tại thư viện.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943
Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) và GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định, bản Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức mạnh soi đường quốc dân đi của văn hoá.

Triển lãm tranh dân gian và trải nghiệm thư pháp
Triển lãm tranh dân gian và trải nghiệm thư pháp

Sáng 23/2, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Quảng Điền, Bảo tàng Mỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Quảng Điền tổ chức triển lãm chuyên đề Sắc Xuân.

Hội Báo toàn quốc 2023  Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo
Hội Báo toàn quốc 2023: "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo"

Theo thông tin từ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Báo toàn quốc 2023 với chủ đề "Đoàn kết, Chuyên nghiệp, Văn hóa, Sáng tạo" dự kiến diễn ra từ ngày 17-19/3 tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hội Báo toàn quốc 2023 có quy mô toàn quốc với nhiều đổi mới, sáng tạo tạo sức hấp dẫn cho công chúng.