Thứ Hai, 02/04/2018 06:30

Hình thành “Tủ sách Huế” để giữ gìn văn hóa đọc

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đang chỉ đạo xây dựng Đề án thiết lập và phát triển “Tủ sách Huế” nhằm mục tiêu giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa nhân văn của vùng đất Cố đô. Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết:

Những “trang sách di động”

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh 

Trong quá khứ có rất nhiều tác phẩm của Huế, nghiên cứu về Huế được các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ mô tả thông qua những đầu sách có giá trị qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn lịch sử. Hiện nay, những đầu sách này vẫn còn lưu lạc nhiều nơi trên thế giới, ở Việt Nam, trong các thư viện, nhà chùa, tu viện, nhà dân. Do đó, “Tủ sách Huế” được xây dựng không ngoài mục tiêu giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa nhân văn nhằm giáo dục văn hóa của vùng đất Cố đô.

Thưa ông, việc xây dựng “Tủ sách Huế” có nhiều ý nghĩa nhân văn, theo ông để hội đủ tiêu chí về “Tủ sách Huế” tỉnh cần tập trung vào những nội dung nào?

Ý tưởng về xây dựng “Tủ sách Huế” nhằm hướng đến 3 mục tiêu. Thứ nhất là giới thiệu về Huế thông qua các tác phẩm, những đầu sách độc, lạ, có giá trị được sưu tầm, phục dựng. Thứ hai, đây là cơ hội khôi phục các đầu sách viết về Huế, khích lệ văn hóa đọc đang dần mai một, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách. Thứ ba là thông qua tủ sách này, xây dựng món quà tặng mang ý nghĩa nhân văn của người Huế tặng cho du khách thập phương khi đến Huế- như vậy sách trở thành quà tặng.

Việc sưu tầm, phục dựng, xuất bản các đầu sách về Huế dựa vào những nguyên tắc nào, thưa ông?

Ở Huế, ngoài hệ thống thư viện Nhà nước, nhiều tủ sách gia đình được xem là “kho báu” với rất đầu loại sách chuyên đề về Huế rất giá trị. Những tủ sách này được những người yêu sách gìn giữ đến ngày hôm nay và xem đó như bảo vật của gia đình. Việc xây dựng “Tủ sách Huế” nhằm bảo tồn nhiều tủ sách, nhiều cuốn sách về Huế đang có nguy cơ bị thất lạc, tẩu tán. Trong quá trình xây dựng đề án này, tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện kế hoạch tổng thể, từ việc mời gọi những đơn vị, tư nhân sở hữu những tủ sách, cuốn sách quý để phát huy giá trị, lan tỏa đến cộng đồng cũng như bảo quản và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Đồng thời, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến công nghệ trong việc bảo quản, lưu giữ để phát huy hiệu quả, giá trị của “Tủ sách Huế”. Và việc số hóa các đầu sách là một ví dụ.

Nghĩa là tất cả các đầu sách về Huế đều có thể tham gia vào “Tủ sách Huế” ?

Những tác phẩm, tác giả được tuyển chọn tham gia “Tủ sách Huế” là những tác phẩm có giá trị, được Hội đồng thẩm định và tuyển chọn chuyên ngành do tỉnh lập để lựa chọn một cách khách quan, công tâm. Hội đồng này tiến hành tổ chức điều tra, khảo sát nguồn tư liệu văn hiến về Phú Xuân - Huế từ thực địa và tại các cơ quan lưu trữ Trung ương, địa phương. Hiện kho tàng tư liệu về văn hiến Phú Xuân - Huế trong và ngoài nước còn nhiều và cần được tiếp tục khai thác, bổ sung để cung cấp cho bạn đọc những nội dung, kiến thức, câu chuyện phong phú, toàn diện, đa chiều về mảnh đất Cố đô này.

Nhiều bạn trẻ tìm đến sách là tín hiệu đáng mừng

“Tủ sách Huế” có con dấu nhận diện, logo nhận diện, giống như đặc sản Huế - ai đã được đóng dấu nhận diện rồi xem như có giá trị vì đã được hội đồng thẩm định của tỉnh ghi nhận. Còn đối với việc in sách nào tùy thuộc vào việc huy động nguồn lực, tùy thuộc vào hội đồng thẩm định, vào nhà xuất bản… Khi đã hình thành “Tủ sách Huế”, tỉnh sẽ có những cuộc đấu giá những đầu sách quý, hiếm, có không gian trưng bày và giới thiệu sách Huế, có không gian đường sách Huế thật ý nghĩa.

Để xây dựng “Tủ sách Huế”, theo ông vấn đề cần quan tâm bây giờ là gì?

Trước mắt, tôi chỉ đạo sở, ngành liên quan cho sưu tầm một thư mục về sách Huế. Tức là các đầu sách đang nằm ở các nước, trong nước, tại các thư viện, nhà dân đều được lên danh sách và phân loại công phu, huy động sự tham gia xã hội hóa của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định sẽ tuyển chọn theo từng giai đoạn, từng chủ đề. Có thể đây là cây thư mục quan trọng, phân theo tuyến thời kỳ theo thứ tự thời các vua chúa, thời kỳ trước 1945, trước 1975, sách thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ, sách thời kỳ đương đại, sách nằm ở thư viện các nước, sách đang nằm ở các thư viện tư nhân…  

Bước tiếp theo là triển khai thi và xây dựng logo nhận diện “Tủ sách Huế”, đồng thời thiết kế để phát huy vai trò logo ấy. Tôi cũng sẽ viết thư ngõ kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp đầu sách cho “Tủ sách Huế”. Cùng với đó, xây dựng một nguồn quỹ cho “Tủ sách Huế” để huy động nguồn lực cho việc hình thành, in ấn, phát hành, nuôi dưỡng “Tủ sách Huế”.

Ông có thể dự báo về sự thành công của “Tủ Sách Huế”?

Từ lâu, sách đã đi vào cuộc sống của mỗi con người, sách là nơi ghi lại, lưu trữ những điều hiểu biết của con người và ở đó cũng chính là nơi chia sẻ những thông tin, những suy nghĩ giữa con người với con người. Sách hay sẽ giúp ta mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, là cách để nối liền quá khứ - hiện tại và mở ra tương lai.

Tôi cho rằng, nhiều người sở hữu các tủ sách, cuốn sách quý về Huế, ai cũng muốn một ngày sẽ công bố, đưa ra với công chúng. Nhưng quan trọng, là cách ứng xử, đón nhận của chúng ta với cuốn sách, với những người sưu tầm đó ra sao. Đằng sau mỗi cuốn sách là một hành trình, là sự trân trọng mà người sưu tầm dành hết tâm huyết vào đó. Tôi tin rằng, “Tủ sách Huế” sẽ được người dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng nếu có cách làm hay, trân trọng.

Vấn đề cốt lõi là ở cách làm. Làm thế nào để cho mỗi người Huế nói riêng và tất cả môi người trên thế giới, tại Việt Nam đều tự hào khi trong tủ sách của gia đình mình có đóng góp những cuốn sách viết về Huế để tham gia “Tủ sách Huế”. Đây là một việc làm ý nghĩa và thiết thực.

Nghĩa là giấc mơ về một “Tủ sách Huế” sắp trở thành hiện thực, thưa ông? 

UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện sau khi Đề án thiết lập và phát triển “Tủ sách Huế” được phê duyệt, phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh trong quá trình xây dựng và hoàn chỉnh Đề án. Đồng thời, phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xây dựng các tiêu chí để chọn các đầu sách tham gia “Tủ sách Huế” theo các danh mục lĩnh vực.

Đề án “tủ sách Huế” trước mắt ưu tiên lĩnh vực nghiên cứu Huế, cùng với đó sẽ xây dựng các tiêu chí để chọn các đầu sách khác tham gia tủ sách theo các danh mục, lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện sẽ thành lập các hội đồng, tổ chuyên gia, tổ giúp việc theo từng lĩnh vực để lựa chọn sách có giá trị tiêu biểu để xuất bản, tái bản cho “Tủ sách Huế”; đồng thời, tiếp cận các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm có những bộ sách quý, các công trình giá trị chưa xuất bản để đề nghị xuất bản, tái bản trên nguyên tắc kết hợp đồng bộ giữa xuất bản và phát hành.

Hình thành “Tủ sách Huế” là việc làm thiết thực và cần thiết để giữ gìn văn hóa đọc trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, đồng thời tôn vinh, khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể đối với việc sáng tác, quảng bá, lưu giữ sách; nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Thông qua “Tủ sách Huế” cũng sẽ góp phần giới thiệu và quảng bá văn hóa, con người xứ Huế, những giá trị đã được chắt lọc và thể hiện trên từng cuốn sách, có giá trị trường tồn mãi với thời gian.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

THÁI BÌNH (Thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách hay Sự khắt khe làm nên giá trị
Sách hay: Sự khắt khe làm nên giá trị

Giải Sách Quốc gia không chỉ tôn vinh những cuốn sách hay mà còn đề cao vai trò, tâm huyết của người viết, dịch giả, nhà xuất bản và những công ty chuyên về sách.

Làm bạn cùng sách
Làm bạn cùng sách

Nếu thiết bị điện tử ngày càng khiến nhiều em học sinh bị phân tán sự tập trung, thì những “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”… lại thu hút các bạn nhỏ đến một thế giới tuổi hoa hấp dẫn khác, mà ở đó, sách là “cánh cửa” không gì thay thế được.

Đọc  xem Thanh Tùng phỏng vấn
Đọc & xem Thanh Tùng phỏng vấn

Nhà báo Thanh Tùng vừa ra mắt cuốn PHỎNG VẤN, giấp phép của NXB Thuận Hóa. Sách gần 200 trang, tập hợp gần 30 bài phỏng vấn, hầu hết đã in trên báo Thừa Thiên Huế và báo Tiền Phong. Bài xưa nhất là bài phỏng vấn nhà văn Hoàng Quốc Hải (1993); bài mới nhất phỏng vấn nữ doanh nhân Cecile Le Pham (tháng 10/2022), khi chị đang chuẩn bị khai trương Bảo tàng Mỹ thuật ngoài công lập.

Khoe sách
Khoe sách

Không còn nghi ngờ về thú đọc sách và tình yêu sách của người Huế xưa nay như một nét đẹp văn hóa.

“Về miền cảm xúc” - Khúc ngẫu hứng của con tim
“Về miền cảm xúc” - Khúc ngẫu hứng của con tim

Bằng giọng văn chân thật, mộc mạc, cuốn bút ký, ghi chép “Về miền cảm xúc” của tác giả Trần Quang Khen (do Nhà xuất bản Đại học Huế ấn hành cuối tháng 4-2022) đã kể những câu chuyện thật gần gũi, đầy cảm xúc, chứa đựng nhiều hình ảnh thân quen và dễ dàng chạm đến trái tim người đọc.