Thứ Hai, 13/05/2019 17:47

Huế mưa

Hàng năm, cứ vào khoảng thời gian những ngày cuối thu và chuẩn bị bước sang mùa đông, những cơn mưa lại càng xuất hiện ngày mỗi nhiều hơn, nhiều đến mức khiến Huế lúc nào cũng có cảm giác loang loáng nước, loang loáng những ý nghĩ hoài đong đưa theo màu trời trắng nhạt.

Trường Tiền trong sương mai

Nhiều người yêu mưa Huế nhưng cũng có nhiều người lại chịu không nổi với cơn mưa Huế. Nó cứ đem lại một thứ cảm xúc ẩm ướt cứ muốn lan tỏa đến cùng cực nhưng lại chực như muốn trôi tuột ra khỏi tầm tay, muốn riết lại nhưng nó cứ dần xa thêm. Đến những mảng tường vôi của các ngôi nhà cấp bốn cũng co mình vì mưa, cũng bần thần nổi rêu vì cái thâm trầm, cái lành lạnh lửng lơ bám chặt đến từng kẽ nứt của mưa.

Huế bỗng nhiên rít rát hơn trong từng nấc, từng từng nấc buổi giao mùa, để đến tiếng trôi của dòng sông vốn dĩ thơ mộng vậy mà bây giờ hình như nghe ra cũng là lời riu ríu không thể tròn môi. Đây cũng là khoảng thời gian mà từng cơn gió đang thỏa thích chơi trò chơi muôn thuở của nó, là cơn đam mê vần vũ những hạt mưa xoáy tròn rồi hắt lên các tán cây đang nghiêng mình chịu trận. Mưa làm cho không gian thành phố như giãn ra, những tòa cao ốc mờ đi trong mây, những con đường như  rộng hơn và phần nào đó, dễ làm người ta chìm sâu vào những hoài ức có thể chỉ là vu vơ, nhưng lại là những hoài ức mà có lẽ, chỉ chờ cơn mưa tới…

Vậy đó, nhưng đã là Huế thì không thể thiếu mưa. Cơn mưa như một sự tồn lưu xứ sở, một thứ ký ức ăn sâu đến từng mạch nguồn tâm cảm. Trong mưa có vô vàn niềm vui và có cả những nỗi buồn, có sự xốn xang nô nức và cả nỗi phiền muộn mông mênh. Thênh thang trong mưa dài, ta như đang chèo thuyền trên một dòng hoài niệm mà đôi khi mình cứ lờ mờ không nhận thấy đã xảy ra đâu đó trong đời mình. Nó tổng hợp cả sự háo hức khám phá nhưng lại có cả sự tìm kiếm lãng quên vô tình. Đôi khi, mưa nghiêng xuống thật gần, khiến cho ta bỗng dưng hồi hộp mà loay hoay muốn đếm đến từng giọt tí tách dẫu ngày dẫu đêm, nhưng cũng lắm lúc mưa lại mù tít khiến ta hoảng hốt mà thấy giữa mênh mông này mình đang sống một đời tan loãng. Khi đó, như không còn là mình nữa. Không còn một chút những đam mê vốn dĩ chỉ cần thoáng qua.

Và có gì vô tình gởi gắm hay không, mà mỗi khi một mình đứng ngắm cơn mưa qua ô cửa sổ nhỏ trong căn nhà ngoại ô vào những buổi bình minh, mưa lại kéo tôi đi trong một cơn bình yên không tên tuổi. Đó là sự bình yên của những cảm xúc đời thường lưu luyến. Khi đó, từng sợi mưa lóng lánh vắt ngang qua bầu trời tang bồng, khiến cho màu cây, màu những bức tường rào rêu phong, màu của những vũng nước mưa chúm chím... bỗng sáng bừng lên, như một tuyệt tác. Ngay cả tiếng mưa với những sắc âm bí ẩn của nó, nghe như là muôn tiếng ru mênh mông vọng về từ rừng thiêng đại ngàn, chảy rì rầm theo về dòng sông Hương vào những ngẫm nghĩ đang đợi chờ người xôn xao.

Và trên con đường thân quen hằng ngày cất bước đi làm, tôi mới thật sự cảm nhận được mùi hương ly cà phê rang xay đang quyện vào giấc mưa nồng thơm một cách kỳ lạ. Chỉ có mùi cà phê ấy mới đủ sức kéo người ta trở về với thực tại, với những ánh người vồi vội buổi sớm muôn thuở một nhịp đời…

LÊ TẤN QUỲNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phấn đấu hoàn thiện phần hạ bộ dưới nước vào cuối năm 2023
Phấn đấu hoàn thiện phần hạ bộ dưới nước vào cuối năm 2023

Sáng 21/2, ông Trần Anh Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Trung Chính - đơn vị liên danh thi công dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (giai đoạn 1) thông tin, tất cả hạng mục hạ bộ dưới nước của công trình cầu vượt sông Hương sẽ cố gắng hoàn tất vào cuối năm 2023.

Đêm thơ tôn vinh dòng Hương
Đêm thơ tôn vinh dòng Hương

Tối 5/2 (nhằm ngày 15 tháng Giêng), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức đêm thơ với chủ đề “Hương Giang - dòng sông di sản”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Festival Thơ Huế 2023. Đến dự chương trình có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Nghĩ về danh xưng Huế của tôi
Nghĩ về danh xưng Huế của tôi

Vào cuối tháng 12 âm lịch năm Ất Hợi (1635), khi ấy dương lịch đã qua năm 1636, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chính thức phát lệnh cho dời công phủ từ làng Phước Yên, bên dòng Bồ giang (huyện Quảng Điền) chuyển vào làng Kim Long (huyện Hương Trà), khởi đầu một thời kỳ mới.

Huế, một chữ “mới” trong chữ “hoài”…
Huế, một chữ “mới” trong chữ “hoài”…

Đúng ba mươi năm trước (năm 1993) khi vận động cho Huế được là di sản văn hóa thế giới, trên poster với hình ảnh điện Thái Hòa chụp qua ô cửa hình chiếc khánh, UNESO đã để một slogan rất lạ bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp: Huế luôn luôn mới!

Chuyển nước từ sông Bồ qua sông Hương Rút ngắn thời gian thoát lũ
Chuyển nước từ sông Bồ qua sông Hương: Rút ngắn thời gian thoát lũ

Chuyển nước từ sông Bồ qua sông Hương thông qua kênh dẫn ở hạ nguồn nhằm rút ngắn thời gian thoát lũ, giảm thời gian ngập. Trong quá trình nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị tư vấn sẽ phải tính toán, đánh giá các giải pháp, phương án, mô phỏng các kịch bản về ngập lụt cho khu vực.