Thứ Sáu, 03/01/2020 16:18

In bóng mình trong Huế

“Về Huế chơi kỳ này, anh nhất định phải đi Tam Giang”, ông anh xứ Quảng - người luôn yêu Huế theo cách đặc biệt - chốt hạ, tôi và nhóm bạn Huế hưởng ứng ngay lập tức.

Lễ hội sông Hương

Tam Giang, chiều gió lộng, mặt phá mênh mông nhuộm một màu nắng vàng rực, không còn tiếng cười đùa nhộn nhạo như lúc mới xuống thuyền, chiều đầm phá đang hút hồn mọi người. Chỉ có thể về với thiên nhiên lòng người mới thật sự yên tĩnh. Cái bao la của đất trời thường làm con người nhìn vào bên trong mình rõ nhất, thấy mình nhỏ bé và cần yên lặng để tôn trọng thiên nhiên. Ông anh đọc cho cả bọn cùng nghe bốn câu thơ: “Tôi ngủ trên mảnh lưới/Bên các anh thủy thủ/Gió gió gió biển vào/Mơ giấc mơ lạ...” và cười bí ẩn “Đố em đó là thơ của ai”.

Tôi đang ngắc ngứ thì anh đọc tiếp: “Tôi níu lấy mảnh lưới/ Lưới là cái cuối cùng/ Đang hắt tôi xuống biển/ Các anh thủy thủ/Hiền khô/Tôi bám vào dây lưới/Bập bồng nhìn xuống/Đáy biển sâu”.

Biết chắc tôi tắt tỵ, anh trả lời luôn “Thơ Văn Cao đó em”, đó là bài thơ “Đêm phá Tam Giang”, bài này anh phải nhờ bạn bè ở Hà Nội vào thư viện lục tìm và chép lại giúp anh đó. Ấy là năm 1987 khi Văn Cao vào Huế, đi thăm làng Chuồn, uống rượu làng Chuồn trên phá Tam Giang và viết “Đêm phá Tam Giang”. Đó là bài thơ thứ ba Văn Cao viết về Huế.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi hôm ấy đã dẫn tôi đi tìm thêm tư liệu Văn Cao đã đến Huế, yêu Huế và in bóng mình trong Huế độc đáo như thế nào?  Đúng là Huế thật “đặc biệt” với Văn Cao. Ngay trong lần đầu tiên đến Huế (năm 1940), lúc mới 17 tuổi, Văn Cao đã để lại bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” đến bây giờ vẫn là một trong những bài thơ hay nhất viết về ca Huế trên sông Hương.

Thuở ấy, nghe Ca Huế trên sông Hương là một món quà mà bạn bè Huế thường mời khách phương xa trải nghiệm. Thử hình dung hơn 80 năm trước, trên một khúc sông Hương với bóng đêm huyền bí, một con thuyền trôi, một ngọn đèn nhỏ, khách đi tìm tri kỷ, gặp tiếng đàn và lời ca hợp lòng sẽ lắng đọng biết bao nhiêu. Tôi hình dung đêm ấy, Văn Cao - Huế - sông Hương - Ca Huế đã hòa làm một. Ông được nghe những bài Ca Huế trữ tình diễm lệ chở những tâm sự trải lòng sau bóng ngày tắt nắng. Cung vàng điện ngọc cũng như mái tranh nghèo, người nơi chốn lầu son gác tía cũng như người nhà tranh vách đất, màn đêm đã “cân bằng” tất cả để hiển lộ hình bóng con người một cách chân thật nhất. Người địa vị cao sang cũng như người cầm ca lênh đênh đã cởi bỏ những thứ mà cuộc đời phủ lên người họ để lòng được thảnh thơi thở than, thảnh thơi yêu thương, thảnh thơi trò chuyện. Trong đêm ấy, nhạc sĩ Văn Cao gặp tri âm “sao đàn u hoài gì mùa thu?”, nhận ra sông Hương là dòng sông cưu mang và cuộc đời mỏng manh như một con thuyền. Khi tấm lòng gặp tấm lòng, tri âm gặp tri kỷ thì tinh hoa phát tiết. “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” ra đời, cho thấy sự tài tình của Văn Cao trong sáng tạo ngôn ngữ. Văn Cao đã gọi sông Hương là “sông Huế”, một cách gọi mới mẻ mà gần gũi, nghe lạ lùng mà dễ hiểu. Từ hơn 80 năm trước, chỉ duy nhất Văn Cao gọi như thế và cho đến  nay vẫn hay, chưa tên gọi nào khác thay thế được. Văn Cao để lại kỷ niệm trăm năm và nhiều hơn thế nữa cho Huế như thế. Cao quý hơn, ông để lại trái tim nhân hậu với tình thương không phân biệt, yêu thương vô nhiễm của người nghệ sĩ: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”.

Bài thơ thứ hai Văn Cao viết về Huế cách bài thơ thứ nhất đến 45 năm. Đó là vào năm 1985, Văn Cao về thăm Huế và có bài thơ “Huế xưa”. Huế trong Văn Cao ấn tượng đến độ ông chia sẻ “Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 1940. Thơ và nhạc của tôi đều tìm từ nguồn ấy”. Ngoài thơ, năm 1942 Văn Cao còn viết một bản nhạc về Huế, bản “Sông Hương”.

Vùng đất Huế, con người Huế có điều gì đặc biệt khiến cho bao tao nhân mặc khách đến đây ai cũng để lại tấm lòng mình trong thơ, văn, nhạc, họa... để người đời sau mỗi lần “gặp” lại người xưa là lòng bồi hồi xúc động. Tôi nghĩ mãi, chắc có lẽ điều cốt yếu nằm ở chữ “tình”. Núi, sông ở đây có tình, cây lá có tình và con người có tình. Cái tình cứ quyến luyến khắp nơi, thủ thỉ khắp nơi nên gặp ở đâu cũng nhớ, cũng thương.

XUÂN AN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phấn đấu hoàn thiện phần hạ bộ dưới nước vào cuối năm 2023
Phấn đấu hoàn thiện phần hạ bộ dưới nước vào cuối năm 2023

Sáng 21/2, ông Trần Anh Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Trung Chính - đơn vị liên danh thi công dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (giai đoạn 1) thông tin, tất cả hạng mục hạ bộ dưới nước của công trình cầu vượt sông Hương sẽ cố gắng hoàn tất vào cuối năm 2023.

Thức tỉnh làng chài Phú Hải
Thức tỉnh làng chài Phú Hải

Hãy lắng lòng thư thái để nghe lời vỗ về của sóng nước Tam Giang mà quên đi mọi ưu tư muộn phiền của cuộc sống, tan biến mọi nhọc nhằn vất vả để có được tâm thái tự tại an nhiên trước những biến động vô thường của xã hội.

Đêm thơ tôn vinh dòng Hương
Đêm thơ tôn vinh dòng Hương

Tối 5/2 (nhằm ngày 15 tháng Giêng), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức đêm thơ với chủ đề “Hương Giang - dòng sông di sản”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Festival Thơ Huế 2023. Đến dự chương trình có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Nặng tình với ca Huế
Nặng tình với ca Huế

Là cô gái út trong một gia đình có 4 anh em ở Văn Xá, Hương Văn (Hương Trà), Trần Thị Kim Chuân ngay khi cất tiếng khóc chào đời đã không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. 36 năm qua, cô gái ấy không ngừng vượt lên bi kịch của số phận, dồn tình yêu, niềm đam mê vào ca Huế, với niềm khao khát góp phần gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa đặc trưng trên vùng đất núi Ngự sông Hương.

Nghĩ về danh xưng Huế của tôi
Nghĩ về danh xưng Huế của tôi

Vào cuối tháng 12 âm lịch năm Ất Hợi (1635), khi ấy dương lịch đã qua năm 1636, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chính thức phát lệnh cho dời công phủ từ làng Phước Yên, bên dòng Bồ giang (huyện Quảng Điền) chuyển vào làng Kim Long (huyện Hương Trà), khởi đầu một thời kỳ mới.