Thứ Tư, 22/10/2014 08:39

Yêu Zèng

Một thông báo từ face book, tôi “clik” chuột và ngạc nhiên bật lên thành tiếng khi thấy hình ảnh một người nước ngoài mặc chiếc áo vest cách điệu làm từ Zèng của người Tà ôi ở A Lưới. Trông gương mặt “mẫu” thật biểu cảm trước ống kính khi biết mình “được lên ảnh”. Đồ rằng, anh ta tự hào vì đang khoác trên mình một sản phẩm dệt, nhuộm, kết cườm hoàn toàn bằng thủ công của một dân tộc ở phía tây Thừa Thiên Huế.

Từ tấm ảnh này, tôi lần tới người “khai sinh” và đưa zèng lên thành mặt hàng thời trang mà giá của nó được tính bằng USD là người điều hành một tổ chức xã hội sinh ra ở Huế nhưng lập nghiệp ở trời Tây. Chị Lan Vy Nguyễn nói về Zèng một cách say mê, rằng chị thấy nó bén duyên với mình và khâm phục những người phụ nữ làm ra nó từ khâu đầu cho đến khâu cuối.

Câu chuyện khiến tôi nhớ lại hình ảnh những người mẹ, người bà Tà ôi cặm cụi bên khung dệt Zèng. Sự khéo léo, đẹp đẽ của tấm Zèng là một tiêu chí đánh giá vẻ đẹp cô gái cũng tựa như người miền xuôi đánh giá “tứ đức” của một người phụ nữ vậy. Vai trò của người mẹ khi truyền nghề này cho con gái không kém phần quan trọng, vì thế mà tôi hiểu cảm giác của một người mẹ đòi xé tấm Zèng treo trước hiên nhà để cho thiên hạ biết “con gái nhà này không chịu học dệt Zèng”. Mỗi khi nghĩ đến cảm giác đó, gai ốc tôi nổi lên bởi nó tựa như một thứ gia pháp mà chỉ có quyền lực “mẫu hệ” mới có thể làm được.

Hoa văn trên Zèng tập trung ở ba chủ đề nhưng nó phản ảnh toàn vẹn cuộc sống, thế giới của người Tà ôi. “Cứ tưởng tượng mỗi tấm Zèng dệt xong hàm chứa bên trong nó là một câu chuyện về chuỗi ngày đã qua với nhiều cảm xúc thì tôi thấy không đành lòng khi để chiếc kéo cắt đi những hoa văn”... Chỉ có vậy thôi mà người phụ nữ gốc Huế ấy tiến tới một quyết định táo bạo hơn cả thiết kế thời trang là phối hợp để tổ chức một tour du lịch trải nghiệm về Zèng cùng một thành viên là người nhà của tập đoàn sở hữu Laguna Lăng Cô. Và lần này, khách đến để hiểu và mang về những câu chuyện thực sự chứ không cưỡi ngựa xem hoa như các tour khác đã làm.

Zèng đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được xuất ngoại, lên sàn diễn thời trang. Zèng đã hồi sinh, song để nó sống bền và vươn xa hơn cần nhiều “ý tưởng” hơn. Người phụ nữ với những ý tưởng táo bạo như tôi đã kể yêu Zèng đến mê mẩn, đến nỗi mỗi khi nhắc đến Zèng, chị kể y như có ma lực. Ma lực ấy thôi thúc chị phải sáng tạo, phải làm một cái gì đó. Khi đặt bút kể câu chuyện này, chị chưa“xuất hiện” một cách bài bản trước công chúng Huế mặc dù những gì chị đã làm cho sản phẩm thủ công của Huế, trong đó có Zèng luôn tạo bất ngờ với người sở hữu chúng.

Dự kiến chị sẽ trưng bày những đứa con tinh thần của mình tại quê nhà trong thời gian đến. Quả là một tin vui đáng được chờ đón.

L.Tuệ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

“Bén duyên” với nông nghiệp xanh
“Bén duyên” với nông nghiệp xanh

Phát triển bền vững từ nông nghiệp xanh là đam mê và mục tiêu lớn nhất của chàng trai trẻ Lê ngọc Tuân (sinh năm 1992). Anh là một trong 32 gương mặt tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2022, vừa được tổ chức tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).