Thứ Bảy, 08/08/2015 16:11

Dựng nêu đón Tết

Sáng 8/2 (23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế trang trọng tổ chức lễ dựng nêu đón tết tại Thế Miếu (Đại Nội) và điện Long An (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế).

Đoàn rước cây nêu đến vị trí dựng

Đây là nghi lễ được Trung tâm BTDTCĐ Huế phục dựng từ năm 2013 và nay trở thành một hoạt động truyền thống tại Hoàng cung Huế, báo hiệu Tết cổ truyền dân tộc chính thức bắt đầu tại Hoàng cung Huế.

Xuất phát từ cửa Hiển Nhơn, đoàn rước cây nêu với đầy đủ “quan viên”, “lính hầu” và lễ nhạc cung đình… tiến vào Hoàng cung, đến sân Thế Miếu.

Sau phần phần lễ cáo thổ thần, cây nêu được các lính dựng thẳng đứng trước sân cỏ trong tiếng trống, chiêng và lễ nhạc cung đình thiêng liêng.

Cây tre được chọn để dựng nêu được chọn lựa rất kỹ, thân thẳng cứng, dài hơn 80 đốt. Đỉnh nêu được buộc các lễ vật để cúng thần linh và xua đuổi tà ma. Tuy được thực hiện nhiều năm nay, nhưng vẻ đẹp nhân văn và tính trang trọng của nghi lễ dựng nêu trong Hoàng cung Huế vẫn rất hấp dẫn du khách.

Bà Nguyễn Hạnh Châu (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) nói: “Hơn 60 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến nghi lễ này và điều đó khiến tôi thấy mình may mắn. Về thành phố, tôi sẽ “khoe” với bạn bè sự kiện này và sẽ tìm hiểu kỹ hơn tục dựng cây nêu để hiểu thêm về những gì tôi được chứng kiến hôm nay”.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, ngoài ý nghĩa là một hoạt động văn hóa cung đình được phục dựng để phục vụ du khách, nghi lễ dựng nêu trong Hoàng cung Huế còn mang ý nghĩa đuổi trừ tà ma trong thời gian các thần linh về trời, như sự tích cây nêu vẫn kể. Đặc biệt, tục lệ dựng cây nêu còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi cây nêu tượng trưng cho sự vươn cao, vươn xa niềm mơ ước năm mới, mùa xuân mới chúng ta có thêm nhiều hạnh phúc, bình an.

Sau nghi thức dựng nêu tại Thế Miếu và điện Long An, Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức không gian “Hương xưa bánh Tết” với các hoạt động thi gói bánh chưng bánh tét, chơi các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp và giới thiệu một số loại bánh Huế tại nhà Tế tửu của điện Long An.

Một trong những ý nghĩa đặc biệt của “Hương xưa bánh Tết” là toàn bộ bánh chưng, bánh tét được thực hiện tại sân chơi này, sau khi luộc chín sẽ được gửi tặng những cán bộ công nhân có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em tại các trại trẻ mồ côi trên địa bàn.

Những hình ảnh được ghi tại lễ dựng nêu và không gian "Hương xưa bánh Tết":

Cáo thổ thần trước khi dựng nêu

Hợp sức dựng nêu

Ngọn nêu vươn cao trước Thế Miếu

Giới thiệu với du khách về tục gói bánh chưng, bánh tét của người Việt

 

Chăm chút cho những chiếc bánh

Khách nước ngoài thưởng thức bánh Huế

Ấm đượm bếp lửa luộc bánh chưng, bánh tét

Tin, ảnh, clip: Đồng Văn

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàng cung dựng nêu đón tết
Hoàng cung dựng nêu đón tết

Trong khuôn khổ các hoạt động đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sáng 25/1 (nhằm ngày 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ dựng nêu (Thướng Tiêu) tại Triệu Tổ Miếu và Hiển Lâm Các - Thế Miếu thuộc Đại Nội.

Dựng nêu đón tết chốn hoàng cung
Dựng nêu đón tết chốn hoàng cung

Trong khuôn khổ các hoạt động đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sáng 4/2 (nhằm ngày 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ dựng nêu (Thướng Tiêu) tại ba điểm trong khu di sản Huế: Triệu Tổ Miếu, Hiển Lâm Các – Thế Miếu và điện Long An.

Hạ nêu và khai ấn tặng chữ chúc xuân
Hạ nêu và khai ấn tặng chữ chúc xuân

Sáng 31/1 (mùng 7 Tết Canh Tý). Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế tổ chức lễ Hạ nêu và khai ấn tặng chúc xuân tại Thế Miếu, Triệu Miếu và điện Long An (Hoàng cung Huế).

Dựng nêu đón Tết
Dựng nêu đón Tết

Trong những ngày giáp tết Canh Tý 2020, khắp các đình làng, tộc họ trên địa bàn huyện Phong Điền tổ chức nghi thức dựng cây nêu để đón Tết cổ truyền dân tộc. Đây là nghi lễ truyền thống được người dân Phong Điền gìn giữ hàng trăm năm nay.