Thứ Năm, 02/02/2017 14:58

Độc đáo tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế

Thờ Mẫu, một nét văn hóa dân gian độc đáo, vừa được Bảo tàng Văn hóa Huế giới thiệu tại không gian trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế” khai mạc ngày 2/8.

Nghiệp cung vănNghĩ về lễ hội điện hòn chénGiới thiệu “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt”

Không gian trưng bày thu hút sự quan tâm của những người làm công tác văn hóa, các nhà nghiên cứu

Độc đáo

Lần đầu tiên được tổ chức, không gian trưng bày giới thiệu đến người xem những nét khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế dưới góc nhìn văn hóa thông qua một số tư liệu, hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ. Các loại hình diễn xướng trong nghi lễ như nghề hát văn, hầu đồng độc đáo cũng được thể hiện dưới góc nhìn văn hóa.

Bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế, giới thiệu: “Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức trưng bày chuyên đề này nhằm giới thiệu những nét khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế; tiếng nói, trải nghiệm của những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu… giúp người xem có cái nhìn toàn diện về loại hình tín ngưỡng dân gian khá độc đáo, hiểu rõ hơn nét đẹp, giá trị truyền thống trong đời sống tâm linh của người dân Cố đô. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu trong cuộc sống đời thường”.

Theo tư liệu từ Bảo tàng Văn hóa Huế, tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế suy tôn Thánh mẫu Thiên Y Ana. Khác với một số nơi ở miền Bắc là thờ Tam phủ, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế thờ Tứ Phủ với quan niệm Thánh thần ở bốn cõi: Thượng thiên (cõi trời cao) ứng với màu đỏ, Trung thiên (cõi trung gian giữa cõi trời và cõi thế gian) ứng với màu vàng, Thượng ngàn (cõi núi rừng) ứng với màu xanh, Thủy phủ (cõi sông nước) ứng với màu trắng. Vì thế, không gian mỗi phòng trưng bày được Bảo tàng Văn hóa Huế thiết kế màu sắc tương ứng với bốn phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Những người trẻ cũng quan tâm đến tín ngưỡng văn hóa độc đáo này

Ở Huế, Mẫu được thờ trong các điện, đền, am… Bên cạnh thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana, một số ít đền tư gia vẫn thờ Vân Hương thánh mẫu do các quan thời Nguyễn từ ngoài Bắc khi vào Huế nhận chức đã đem theo tín ngưỡng thờ Mẫu của họ vào và duy trì cho đến ngày nay như đền Phổ Hóa, Vân Phụng, Diệu Vân, Phổ Tế... Nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế được thực hiện ở am tư gia, điện, đền nhưng địa điểm chính vẫn là Điện Huệ Nam và cơ sở 252 Chi Lăng. Hàng năm, tại đây, diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo, đặc biệt là lễ cung nghinh Thánh Mẫu từ cơ sở 252 Chi Lăng lên điện Huệ Nam vào tháng ba và tháng bảy Âm lịch với nghi thức trang trọng, tôn nghiêm và đã trở thành lễ hội văn hóa.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng, không gian trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu giới thiệu khá trọn vẹn lịch sử, nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại xuyên suốt trong lịch sử của dân tộc. Ở Thừa Thiên Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu là sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Việt và Chăm nên có những nét đặc sắc riêng, tạo nên nhiều giá trị văn hóa, như những đền thờ, điệu múa, điệu hát, nghề truyền thống…

Thực hành tín ngưỡng: Coi trọng chữ tâm

Ngoài nghi thức thờ phụng các thần, tín ngưỡng này còn có hiện tượng thông linh qua nghi thức hầu đồng khá độc đáo, nhằm gửi gắm những nguyện vọng, ước muốn của con người với thần linh. Năm 2016, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Hầu giá "Quan lớn đệ ngũ"

Hàng năm, vào tháng ba và tháng bảy Âm lịch, hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức long trọng tại điện Hòn Chén và đã trở thành một lễ hội văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên Huế. Không chỉ là một tín ngưỡng dân gian, hầu đồng thực sự là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, được kết hợp từ nhiều yếu tố, như âm nhạc, cách trình diễn, lời ca và trang phục. Những người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng, tái hiện lại hình tượng của các vị thánh hạ trần và gần gũi cuộc sống của con người. Ngự áo thánh là việc không hề đơn giản, phải luôn có đức tin, thành tâm, đảm bảo về sức khỏe và tinh túy về thân thể.

Không gian trưng bày còn giới thiệu các bộ trang phục hầu đồng với các giá hầu quan trọng, như: Ngũ vị thánh bà & lục vị tôn thần cùng các trang sức và đạo cụ diễn xướng. Có tổng cộng 36 giá đồng vì theo quan niệm của người xưa có 36 vị Thánh thường che chở, bảo vệ cho người dân. 36 giá đồng thì có 36 bộ trang phục khác nhau được sử dụng theo quy định nghiêm ngặt cho từng giá. Khi cuộc sống phát triển đi lên, một thanh đồng muốn hầu vai vị thánh nào đòi hỏi phải có trang phục, đạo cụ, trang sức đầy đủ cho mỗi giá hầu.

Sự duy trì và phát triển của tín ngưỡng hầu đồng cũng tạo điều kiện cho sự bảo tồn và ra đời của một số nghề liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế: Nghề hát Chầu Văn, nghề làm trang phục hầu đồng, nghề làm tranh làng Sình và nghề làm đồ mã. Nguyễn Nhật Hưng, thế hệ thứ 3 của cơ sở sản xuất trang phục hầu đồng Liên Sơn (đường Nguyễn Du, TP. Huế) cho biết: “Nghề làm trang phục hầu đồng đòi hỏi tính tỉ mỉ cao. Muốn làm được trang phục đúng với mỗi giá hầu, tôi phải tìm hiểu rõ về các giá hầu trong tín ngưỡng thờ Mẫu mới vẽ ra những hoa văn phù hợp cho mỗi bộ trang phục”.

Ông Nguyễn Phước Đoan (đường Lịch Đợi, TP. Huế) chia sẻ: “Nhà tôi theo Mẫu nhiều đời, đã gần 50 năm nay. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu coi trọng nhất là chữ tâm. Tâm trong sáng để công đức hành thiện, sống tốt đời đẹp đạo. Một con sâu làm rầu nồi canh, hiện tượng tiêu cực, buôn thần bán thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn tồn tại. Đó là những người theo Mẫu nhưng chưa hiểu về Mẫu, lợi dụng để đạt quyền lợi riêng cho mình”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những bức ảnh xúc động kể chuyện đại dịch
Những bức ảnh xúc động kể chuyện đại dịch

Đại dịch đã cơ bản được khống chế nhưng kí ức về nó vẫn luôn ám ảnh với mọi người. Với những người thiện nguyện lao vào tâm dịch để giúp đỡ đồng bào đó là những giây phút khó quên và nếu được chọn lại họ vẫn chọn đi theo tiếng gọi con tim, lao vào chỗ hiểm nguy để cứu người.

Các nghị quyết hứa hẹn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Các nghị quyết hứa hẹn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

10 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ chín nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 20/2. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp còn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Hoàn thiện dự thảo Báo cáo chuyên đề Quốc hội điện tử
Hoàn thiện dự thảo Báo cáo chuyên đề Quốc hội điện tử

Đến nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo chuyên đề Quốc hội điện tử. Ngoài ra, Ủy ban cũng đang hoàn thiện, hiệu đính lại một tài liệu quan trọng về Báo cáo Quốc hội điện tử năm 2020 của Liên minh Nghị viện Thế giới để trình lãnh đạo Quốc hội xem xét.