Nhớ hôm nào, bạn cùng nhà kể chuyện cán bộ ở nơi đó ăn trầu “ngon ơ ơ”. Bạn nói lúc đầu thấy cũng lạ lắm. Chắc là ăn trầu có cái hay của nó nên người ta mới bọc sẵn vài miếng trong túi quần. Mà chừng như những người cùng đến từ một nơi ở bàn tiệc hôm đó cũng đã quen, nên dĩa trầu cùng ngót dần. Quen, như khi anh quay lại thêm chút vôi, ai đó bảo chắc trầu nhạt…
Tôi không biết mấy về trầu, nhưng thấy mình đã xúc động khi mẹ của cháu rể đích thân têm trầu cánh phượng cho ngày đám hỏi của con trai. Hẳn bà đã dành cả niềm ước mong về sự lương duyên bền chặt của đôi trẻ, về mối quan hệ sẽ trở nên thắm lại giữa hai bên gia đình, cả những gửi gắm về cách đối nhân xử thế của người đời sẽ thắm đỏ khi đồng điệu hay xanh lá, bạc vôi khi trở thành những cá thể riêng lẻ. Lúc đó, tôi nghĩ nhiều về những yêu thương đã ý vị và kiên quyết được trao đi, khi đôi tay của bà gần như chỉ có thể hoạt động được phân nửa.
Tôi vẫn có thể hình dung rất rõ nụ cười thật lành với mấy chiếc răng đen vì trầu của mệ, người đã gắn bó với gia đình từ ngày con gái còn nhỏ xíu, giờ đã trở thành sinh viên đại học. Trong những câu chuyện nhẩn nha lúc rảnh rỗi, mệ nói về một thời cơ cực, một mình “bám víu” vào miếng cau trầu để dãi nắng, dầm mưa nuôi cả đàn con. Nhớ con gái có lần hỏi, mệ lại hiền hậu cười nói về sự quen, và cả nỗi nhớ bần thần nếu ngày nào đó không kịp bới theo trong bọc áo. Nhớ những ai đó ở xóm trên xóm dưới vẫn ghé qua gửi mệ mấy miếng trầu cau. Có lần trở về trong một chiều mưa, thấy túi ni lông đựng mấy miếng trầu treo tòn ten trên cổng, mới nhớ ra đã lâu mệ chưa trở lại. Biết má ở nhà một mình đang gói hao gầy trong chiếc chăn mỏng và luôn nhắc chừng, không biết bạn già có khỏe không để lại lên nhà!
Hôm qua, nhắn tin cho người ăn trầu đang ngồi chếch một góc 45 độ trong hội trường, về cái sự trầu đỏ, trầu cay, về phát hiện làm ngạc nhiên và vài chữ về một sự “dũng cảm” nào đó, thấy vai anh rung lên giấu nụ cười hích hích thường khi. Rồi xuất hiện một icon mặt cười trong tin nhắn. Anh nhắn thơm lắm. Tốt nữa. Năm 12 miếng thôi. Bạn nhắn khi mô mời thử cho biết vị thơm của lá trầu, vị bùi của cau, vị nồng của vôi…
Bạn không nói về vị cay. Mà quá nửa đời người sương gió, chắc anh đã quá đủ để chuyển cay thành đượm rồi. Hơn nửa đời người gắn với làng quê, mọi thứ đâu có dễ bị phôi pha dù đã hẳn một chỗ định cư lâu dài trong phố. Chuyện của nhà nông, bao giờ cũng dễ bắt đầu hơn những điều vĩ mô với những đường hướng, con số và những tỷ lệ, định mức… với bao điều phải nghĩ. Thế nên, miếng trầu có thể cũng là một hoài nhớ nơi chốn đời người.
Yên Minh