Thứ Năm, 19/12/2019 12:09

Ốc xót

Khi ấy, Phương vẫn bấm chân vào lớp bùn, khom người men theo bờ đìa chầm chậm di chuyển. Có vẻ cô đã quá quen nên không cần để ý những người vừa ùa xuống bến, đợi thuyền để tham gia tour đầm phá từ Quảng Lợi. Giữa chiều. Nắng rát và chênh chao, nhưng quả thực khi quyết định đặt chân xuống nước và lội về phía Phương, tôi cảm thấy cái nóng có phần dịu đi. Có thể vì hơi ẩm, nhưng cũng có thể vì một chút màu xanh trên doi đất gần đó đã chắn được phần nào sự gay gắt.

Bốc vác nuôi conCòn lại yêu thương

Kiên nhẫn nhặt từng con ốc

“Ốc gạo đó chị!” - Phương nói khi tôi cúi xuống cùng nhặt những con ốc bé xíu, chừng nhỉnh hơn đầu ngón tay út. Chúng bám khá chặt trên tấm lưới cũ mà người ta bỏ lại, hoặc trên những cọng cây lỏng chỏng cố vươn lên mặt nước. Ờ ốc gạo - loại ốc mà cho đến chừng này tuổi, chúng vẫn làm tôi thòm thèm khi thấy người ta bày bán phía ngoài chợ Đông Ba. Đó là lúc những con ốc xám rêu hay óng ánh xà cừ quyện trong mùi đậm đà của các loại gia vị, và đương nhiên là cả màu đỏ rực của ớt và sả tươi đập dập vừa chín. Những con ốc gạo nhỏ xíu vậy, nhưng khi đặt lên đầu lưỡi, ta sẽ cảm nhận được vị béo khẽ khàng loang ra và đánh thức mọi vị giác…

Mùa ốc gạo béo và nhiều nhất phải vào quãng tháng 2, tháng 4. Phương nói khi ấy, con nước không lớn như bây giờ và người đi nhặt ốc gạo sẽ kiếm được khá hơn. Tôi đưa mấy con ốc mình nhặt được đặt vào bàn tay mềm sũng nước của Phương. Cũng chẳng nhiều nhặn gì nên tôi đã tự hỏi, người phụ nữ này đã xuống phá nhặt ốc từ bao lâu để được lưng lửng chiếc thùng nhựa nhỏ đựng sơn được tận dụng lại?

“Em đi từ 2h chiều. Mà cũng không cứ đâu, khi nào xong việc nhà là mấy chị em trong xóm lại ới nhau cùng đi. Phần ốc trong chiếc thùng đó, là của hai người lận. Cuối chiều tụi em sẽ gom lại rồi bán cho người ta. Bán dễ lắm chị, bao nhiêu người ta cũng lấy hết. Mà ốc thì có chừng, người kiếm ốc giờ cũng vất vả hơn”.

Trong chiếc thùng của Phương lúc đó, áng chừng được hơn 1 kg. Nếu cứ tính theo cách mà cô kể thì mỗi chiều, hai chị em sẽ kiếm được chừng 3-4 kg gì đó. Bán đi, với giá khoảng gần 100.000 đồng/kg, mỗi chiều Phương và hàng xóm của mình sẽ kiếm được chừng 140.000-150.000 đồng cho khoảng 4 tiếng đồng hồ khom lưng bên bờ phá Tam Giang. Chồng Phương đi phụ hồ, lo những khoản chính trong gia đình và việc học của con. Khoản tiền mà Phương kiếm được - như trong chiều nay - là để lo cho bữa cơm hàng ngày của gia đình, bao gồm vợ chồng cô, hai đứa con đang bắt đầu lớn và cả thuốc thang cho ông nội đã nằm liệt giường 10 năm nay…

Giá một lon ốc gạo mà tôi mua để cắt cơn thèm là 70.000 đồng. Lon ốc mà ớt có khi đã chiếm đến 3/10. Cũng là điều có thể hiểu vì còn bao nhiêu công đoạn và gia vị nữa để ốc gạo đậm đà thơm vị.

Tôi mường tượng cách Phương treo chiếc thùng nhựa nhỏ ấy vào ghi đông xe đạp, tự hỏi không biết trên đoạn đường về tới Quảng Thành, cô đã nghĩ những gì, có lẩn mẩn chuyện mua được thêm gì cho bữa cơm tối? Có thể dành ra một chút để mua cho ông nội của lũ nhỏ cái trứng vịt lộn, thêm vài viên giảm đau…?

Có thể Phương sẽ không nghĩ gì cả đâu vì đó là công việc hàng ngày của cô. Nhưng cái câu “có ốc bán là mừng rồi chị ơi. Chỉ cầu trời cái lưng sẽ không ê ẩm lâu và lũ ốc sẽ sinh con đẻ cái nhiều hơn. Mấy nay ốc ít hơn trước nhiều lắm…” làm tôi nghe phía trái ngực mình nhói lên khi lời Phương rươm rướm. Ốc gạo từ lúc ấy với tôi đã thành ốc xót rồi...

KHANG NHIÊN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cây cầu ký ức
Cây cầu ký ức

Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

Thằng Cứng
Thằng Cứng

Nhớ hồi tôi mới gặp thằng nhỏ cũng là lúc đương độ dịp tết. Phố thị không thiếu những đứa bé trạc tuổi nó cùng gia đình bươn chải, mưu sinh.

Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội
Nhớ món “bánh nậm chuẩn vị Huế” của nội

Tan giờ làm, mấy chị em rủ nhau đi ăn vặt, nạp thêm tý năng lượng cho cái bụng đói cồn cào, đang réo òng ọc. Loanh quanh một hồi cả nhóm ghé vào quán “bèo, nậm, lọc” nằm ở một góc đường Nguyễn Trãi (Huế), dưới tán cây xanh mát bên trong nội thành.

Chị tôi
Chị tôi

Chị tôi 63 tuổi, tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế). Tâm hồn thi vị và cuộc sống nhẹ nhàng.