Thứ Năm, 17/01/2019 22:28

Thành phố mùa COVID-19

Tin nhắn từ bạn, bảo rằng “Những ngày qua mình nhớ Huế quá. Huế làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, mình rất mừng. Huế bình yên lòng mình cũng an yên theo, đỡ lo ba mạ già ở quê và bà con mình nữa. Nói chung nơi nào bình yên đều mừng, nơi nào cũng là quê hương Việt Nam”.

Tôi chuyển cho bạn những hình ảnh Huế trong những ngày này. Bến Me mà bạn từng bơi lội cách đây ba mươi năm bây giờ là một bến tắm đẹp và sạch sẽ. Con đường đi bộ dọc hai bờ sông Hương buổi sáng nắng xiên hàng cây mơ màng, sen trắng hồ Tịnh Tâm nở rộ. Chị bán hoa sen đầu cầu Trường Tiền, những chuyến xe thồ hàng buổi sáng, những nhóm tập thể dục, tập võ, đủ mọi lứa tuổi... Tôi nhắn với bạn: “Huế bình yên, mọi người yên lòng nhé!” Bạn trả lời bằng một icon hình cô gái nhảy múa mừng vui với những trái tim bay lên. Khi đã hiểu và thương thì ai cũng mong điều tốt đẹp đến với người mình thương.

Bạn kể về thành phố nơi bạn sống bây giờ đang căng mình chống dịch, mọi người vẫn đùm bọc nhau, cho nhau thêm niềm tin vào cuộc sống, vào tình người bằng những việc làm đẹp. Bạn thương thành phố quê hương mới của mình, chưa bao giờ bạn nghĩ nơi mình sống một ngày nào đó bỗng “bệnh”. Và bạn cũng luôn thương, lo lắng về Huế, vì Huế của bạn mà cũng là của tôi, hình như đã vận vào mình, lúc nào thử thách cũng nhiều hơn một chút như là vừa chống dịch vừa lo chống đỡ, khắc phục hậu quả mấy trận bão lũ kinh hoàng cuối năm 2020.

Tôi cười trấn an bạn bằng hai câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/Vẫn còn núi Ngự bên bờ Hương giang” và tôi kể với bạn về những tấm lòng vàng thầm lặng của Huế. Có người chị lớn, nén nỗi buồn riêng, cài trong tim miếng tang đen, vẫn đều đặn mỗi ngày mấy trăm suất cơm chay, bún chay tặng bà con lao động nghèo và sinh viên xa quê đang kẹt lại Huế vì dịch bệnh, rồi những phần quà là gạo và thực phẩm thiết yếu cho người nghèo ở những địa chỉ quen trong thành phố; những chị nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa vẫn lặn lội đi về làng quê xa xôi tặng những món quà tình thương với một suy nghĩ đơn giản “dịch bệnh ri ai cũng khó khăn, giúp được bà con chừng mô thì giúp, mình nhỏ làm việc nhỏ!”

Tôi cũng kể cho bạn nghe thành phố đã có những góp sức về y tế, các chuyến hàng gửi yêu thương về Sài Gòn và các thành phố đang bị dịch bệnh. Những đoàn bác sĩ, nhân viên y tế của Huế hỗ trợ các tỉnh bạn chống dịch cả từ hai tháng nay, những ý tưởng “đậm đà tình Huế mắm ruốc” như chương trình “Một triệu chiếc bánh lọc gửi về Sài Gòn yêu thương”, “Mười ngàn thẩu ruốc chấy mỡ”,  Quỹ Sen xanh của Báo Thừa Thiên Huế đã chuyển chuyến hàng đầu tiên nào là khuyết khô, cá khô, ruốc, rau củ và nhu yếu phẩm về Sài Gòn. Huế - vùng đất mưa bão, lụt lội, kinh nghiệm về việc cất giữ thực phẩm dài ngày thì người Huế là số 1 trong những số 1 của miền Trung. Tiếng bạn cười ha hả khi nghe tôi nói “đậm đà tình Huế mắm ruốc” làm tôi cũng cười ngặt nghẽo theo. Mắm ruốc là hương vị của biển Huế, của tình những người mạ, người chị Huế, chân chất, đậm đà, không một chút nào giả dối, chỉ cần thưởng thức và nghe vị ấm dậm trong lòng, không cần phải nghe một lời nói nào cả. “Người Huế mình sống trầm lặng vậy nên ai nói chi, nói Huế mắm ruốc, tui vẫn tin và thương Huế mình nàng ạ”. Tiếng bạn lại thủ thỉ.

Thành phố mùa COVID-19, tôi mừng vì bây giờ, mỗi buổi sáng tôi cùng người chị của mình đạp xe quanh thành phố hay lên chùa Thiên Mụ theo con đường dọc bờ sông Hương mới hoàn thành, cùng hàng ngàn người dân Huế buổi sáng, buổi chiều tìm cho mình một môn thể thao rèn luyện sức khỏe. Một thành phố mạnh khỏe với cư dân mạnh khỏe, vui vẻ đó là một thành phố hạnh phúc, là nơi đáng sống. Nhiều năm trước, khi đi du lịch ở Nha Trang, tôi đã ước ao mỗi buổi sáng, người dân thành Huế của mình sẽ ra đường tập thể dục vui vẻ, sống động như Nha Trang, thì bây giờ điều ấy đang hiện hữu ở Huế. Dịch bệnh hoành hành toàn thế giới gần hai năm nay, không tha một mảnh đất nhỏ nào, dù là ở Nam cực, trong bức tranh ngột ngạt chung của dịch bệnh, Huế góp những hình ảnh vui khỏe, tích cực đến mọi người. Đó cũng được xem là một thành công của phòng chống dịch bệnh. Người dân Huế trân quý những ngày tháng bình yên này vô cùng.

Tôi cũng kể cho bạn nghe, thành phố mùa COVID-19, đi qua những quán xá đóng cửa, những tấm biển “sang quán”, những câu chuyện thất nghiệp, Huế cũng như mọi nơi, làm sao tránh khỏi những khó khăn kinh tế nhưng điều quan trọng nhất trước mắt bây giờ là phòng, chống dịch bệnh lây lan, bảo đảm sức khỏe. Thành phố giữ được nhịp sinh hoạt trong phạm vi kiểm soát tốt dịch bệnh, đó là động viên lớn cho mọi người. Một thế giới bình yên không tiếng súng, không thiên tai, dịch bệnh; một cuộc sống ấm no, vui vẻ, mạnh khỏe, có trải qua những tháng ngày của mùa dịch bệnh này, càng nhận ra đó là những giá trị muôn đời.

Tôi hẹn bạn cùng chống dịch thật tốt, giữ gìn sức khỏe để hết dịch bạn về Huế đi chơi, đi ăn hàng, đi la cà phố xá.“Ừ hén, Sài Gòn hẹn gặp lại Huế thương”, bạn lại rộn ràng làm tôi vui theo.

XUÂN AN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

London là thành phố có chi phí lái xe đắt đỏ thứ hai thế giới
London là thành phố có chi phí lái xe đắt đỏ thứ hai thế giới

Lái một chiếc ô tô chạy bằng xăng ở thủ đô London (Vương quốc Anh) tốn kém hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới, ngoại trừ Hồng Kông (Trung Quốc), một phần là do các con đường tắc nghẽn của thành phố này, theo một kết quả xếp hạng được công bố ngày hôm nay (15/2).

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.