Graffiti không phải mới xuất hiện, nhưng gần đây có dấu hiệu biến tướng, xuất hiện với cường độ thường xuyên, làm ảnh hưởng đến cảnh quan
Mất mỹ quan
Đường Hà Nội, một trong những trục đường chính, hiện đang có nhiều công trình xây dựng. Quá trình xây dựng, hệ thống hàng rào chắn bao quanh các công trình được dựng lên và bị bôi bẩn bởi nhiều hình thù quái dị từ con vật, chữ cách điệu cho đến số điện thoại.
Dày đặc nhất trên tuyến đường là ở khu vực ngã 5 Hà Nội - Lý Thường Kiệt – Ngô Quyền – Nguyễn Tri Phương – Hoàng Hoa Thám. Quanh khu vực này có hai công trình lớn đang thi công, với hệ thống hàng rào tôn kéo dài. Những bức tranh được vẽ theo thể loại graffiti. Chúng không giúp thành phố đẹp hơn mà ngược lại, gây phản cảm.
Nhiều người dân sống quanh khu vực cho biết, việc vẽ bậy lên tường rào diễn ra vào đêm khuya khi mọi người đã đi ngủ.
Cách đó chừng 1km, đường Phong Châu nằm sau lưng siêu thị BigC cũng bị các “nghệ sĩ ẩn danh” trổ tài … bổi bẩn. Dọc hệ thống hàng rào mái tôn trên tuyến đường này bị bôi xịt sơn với vô số kiểu hình kỳ quái. “Không biết bị vẽ khi nào nhưng chắc chắn không phải ban ngày…” – một người dân buôn bán gần đây khẳng định.
Tình trạng vẽ bậy trên không chừa bất cứ địa điểm nào, thậm chí còn vẽ lên nhà cửa người dân, trạm xe buýt, trụ ATM, trụ điện biến áp…
Đại diện một cửa hàng trên đường Đặng Thùy Trâm cho biết, từng bị vẽ bậy lên cánh cửa kéo với những đường nét cách điệu khó hiểu kèm theo đó là những ngôn từ dung tục. Ngay sau đó, cửa hàng phải mua sơn, thuê người xịt lại. “Cần có hình phạt thích đáng với những hình vi bôi bẩn nhà người khác, nó không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, gây tốn kém cho gia chủ mà còn làm xấu đô thị”, người này nói.
Graffiti biến tướng
Một số chuyên gia nghệ thuật cho rằng, nếu các bức tranh tường, graffiti được vẽ một cách trân trọng bởi những họa sĩ giỏi và xuất hiện ở không gian phù hợp sẽ rất đẹp (chẳng hạn như con đường bích họa cuối đường Huyền Trân Công Chúa) nhưng ngược lại, nếu vẽ không theo một phong cách nào, không đúng không gian thì chỉ làm bẩn môi trường.
Đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Huế cho rằng, ở khía cạnh nào đó, nghệ thuật graffiti thể hiện sự đam mê của giới nghệ thuật, tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động này tại khu vực công cộng đã làm mất mỹ quan đô thị của thành phố.
Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Huế cho biết, trước thực trạng trên, phòng đã phối hợp với lực lượng chức năng, UBND các phường triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động mọi người nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan đô thị.
Về lâu dài, cần tạo sân chơi có tổ chức, có cảnh quan phù hợp để những người đam mê nghệ thuật graffiti có điều kiện được trải nghiệm, được thể hiện nhưng không ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan. “Bên cạnh đó, UBND các phường cần tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức các phương án theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm các hình thức bôi bẩn này”, bà Dao nhấn mạnh.
Mức xử phạt từ 1 – 2 triệu đồng
Việc chế tài, xử lý vi phạm, hành vi sơn và vẽ bậy lên tường các công trình nhà cửa, di tích, công trình công cộng được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Điểm a Khoản 2 Điều 7 của Nghị định quy định: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi “Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác”. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi này”.
|
Bài, ảnh: PHAN THÀNH