Thứ Sáu, 12/05/2017 13:30

Về bộ tiêu chí đô thị di sản quốc gia cho Cố đô Huế

Hiện nay, việc xây dựng Cố đô Huế trở thành một đô thị di sản cấp quốc gia, thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ là gợi ý mang tính định hướng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với chiến lược phát triển của Thừa Thiên Huế trong kế hoạch 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn là mong ước và quyết tâm của chính quyền và Nhân dân địa phương trong nhiều năm qua.

Hướng đến đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương

Huế có hệ thống di sản ít nơi nào sánh được. Ảnh: Nguyễn Phong

Tại hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh:

“Việc đưa cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành đô thị trực thuộc Trung ương sẽ rất khó khả thi, 10 năm rồi vẫn chưa đạt được. Nếu xây dựng Huế trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương thì phù hợp và khả thi hơn, dù hiện vẫn chưa có bộ tiêu chí cho loại hình đô thị này. Vì vậy, cần phải bàn cụ thể và nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chí đó”.

(Tuổi trẻ online, Chủ nhật, ngày 27/10/2019)

Như vậy, vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay là xây dựng bộ tiêu chí về Đô thị di sản trực thuộc Trung ương cho Cố đô Huế, đây là việc làm chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Trên cơ sở tham khảo mô hình các đô thị di sản trên thế giới, đối chiếu với thực tiễn Thừa Thiên Huế, chúng ta hoàn toàn có thể đề xuất một bộ tiêu chí cho Huế với các nội dung sau:

1- Tiêu chí về di sản:

Cố đô Huế hiện có 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 5 di sản thuộc về 1 triều đại (triều Nguyễn), lại đủ cả 3 loại hình (vật thể, phi vật thể, và di sản tư liệu), đây là điều hiếm có trên thế giới! Hiện Việt Nam có 28 di sản thế giới được UNESCO công nhận thuộc 3 loại hình này (8 di sản vật thể, 12 di sản phi vật thể, 8 di sản tư liệu) thì Thừa Thiên Huế có đến 7 di sản (chiếm 25% về số lượng của cả nước).

Thừa Thiên Huế cũng có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (tính số lượng cụ thể là 22, gồm 16 thuộc Quần thể di tích Cố đô, 6 thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh), 87 di tích cấp quốc gia, trong đó có 1 làng di sản (làng cổ Phước Tích, là 1 trong 2 làng Di sản của Việt Nam), 79 di tích cấp tỉnh; có 2 di sản phi vật thể cấp quốc gia (ca Huế và dệt dèng - A Lưới), có hơn 500 lễ hội, có hàng chục làng nghề thủ công truyền thống, có nghệ thuật ẩm thực phong phú với hàng nghìn món ăn cung đình và dân gian nổi tiếng... Có nhiều bảo tàng với các sưu tập cổ vật phong phú, trong đó có 8 nhóm hiện vật gồm 32 cổ vật đã xếp hạng bảo vật quốc gia… Điều đáng nói là tính hệ thống, sự nguyên vẹn và mức độ tập trung của các di tích, di sản của Cố đô Huế thì không có địa phương nào ở Việt Nam có thể so sánh được!

Cố đô cũng là vùng đất có nhiều di sản tự nhiên độc đáo, có giá trị tiêu biểu nổi bật không chỉ trong phạm vi đất nước và khu vực, như sông Hương, đầm phá Tam Giang (là đầm phá lớn nhất Đông Nam Á), vịnh Lăng Cô - Chân Mây (được công nhận là 1 trong 29 vịnh đẹp thế giới), rừng quốc gia Bạch Mã...

2- Tiêu chí về đô thị:

Thừa Thiên Huế có thành phố Huế là đô thị loại I đầu tiên của Việt Nam (từ năm 2005), các di sản quan trọng nhất phần lớn tập trung ở thành phố Huế và vùng phụ cận, dọc theo dòng sông Hương từ thượng nguồn đến cửa Thuận An.

Di sản đô thị gắn liền với các di sản văn hóa, tự nhiên và đã được hình thành qua hàng trăm năm lịch sử, tương ứng với thời kỳ Thừa Thiên Huế đóng vai trò là thủ phủ Đàng Trong (1636-1775), rồi kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (1788-1945).

3- Tiêu chí về ý thức cộng đồng đối với di sản:

Cả chính quyền và cộng đồng địa phương đều có ý thức bảo tồn, giữ gìn di sản truyền thống, ưu tiên cho việc bảo tồn là chính sách hàng đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Điều này được ghi rõ trong Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ, nhiệm kỳ 2015-2020, đó là "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường.

 4- Tiêu chí về kết quả bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản phục vụ cho sự phát triển:

Cố đô Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán... Điều đáng nói là, tỉnh đã thực sự biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản, đến nay đã sở hữu các thương hiệu: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”... Khai thác du lịch dịch vụ từ di sản đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương (kinh tế dịch vụ chiếm từ 51-53% GDP, trong đó dịch vụ du lịch từ di sản chiếm tỷ trọng chính), doanh thu toàn xã hội từ du lịch dịch vụ dựa trên nền tảng khai thác di sản văn hóa chiếm tỷ trọng lớn...

*

Như vậy, Cố đô Huế có đầy đủ các tiêu chí để trở thành một đô thị di sản đặc thù, thành phố di sản cấp quốc gia trực thuộc Trung ương. Điều đáng nói là các di sản của Cố đô Huế có quy mô rất lớn và mang tính đại diện rất cao, đòi hỏi phải có sự quản lý, sự quan tâm, hỗ trợ trực tiếp của chính quyền Trung ương cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực để có thể bảo tồn bền vững cũng như khai thác, phát huy giá trị một cách hiệu quả.

Kho tàng di sản văn hóa Huế không riêng chỉ của Cố đô mà là tài sản vô giá của đất nước, dân tộc và của chung nhân loại. Trở thành Thành phố di sản cấp Quốc gia trực thuộc Trung ương sẽ giúp Cố đô Huế bảo tồn, khai thác và phát huy tốt kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên vô giá này.

Phan Thanh Hải

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM