Cậu bé cầm bút - Bản khắc gỗ tranh thờ cúng làng Sình
1 - Năm 1999, sau trận lụt lịch sử ở Huế, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, một trong những người in tranh, khắc bản còn lại ở làng Sình (Phú Mậu - Phú Vang) báo cho các nhà nghiên cứu biết tìm thấy một bản khắc tranh thờ cúng làng Sình tương đồng với tranh "Cậu bé cầm bút" lâu nay vẫn in dùng, nhưng có những điểm khác lạ...
Bản khắc sau đó được chùi rửa, phơi ráo cẩn thận và được ông Phước tặng lại cho một họa sĩ có nhiều năm nghiên cứu tranh dân gian thờ cúng làng Sình là giảng viên của Trường đại học Nghệ thuật Huế. Từ đó đến nay, bản khắc này vẫn được lưu giữ ở trường và nhiều lần đem ra in phục dựng, trưng bày, tương tác với du khách trong các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế. Gần đây, tháng 11/2016, bản khắc được đem ra Hà Nội trưng bày, giới thiệu trong hội thảo tranh dân gian Việt Nam do Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đồng tổ chức và được các nghệ nhân Đông Hồ, hàng Trống rất quan tâm.
Bản khắc có chiều dài 35 cm, rộng 12cm, dày 2cm, chất liệu bằng gỗ cây dẽ vẫn còn khá tốt dù đã thẫm màu thời gian, ngấm nước bùn từ nhiều năm nhưng chưa bị mục. Nét khắc trên bản gỗ nhìn chung còn tốt, vài nơi vẫn sắc nét, thanh nhã, nhưng cũng có vài nét bị bong sứt, bào mòn nên không còn in rõ nét. Trên bản khắc diễn tả cậu bé với khuôn mặt trong sáng, vui tươi, thân thiện. Cậu mặc áo dài xưa, đầu để trần, chân không mang guốc dép, nhưng chải tóc rất cầu kỳ thành nếp đều hai mái gợn sóng, một tay cầm bút, tay kia để tự nhiên trước bụng.
Điều khác lạ là, trên cổ áo có nhành hoa bẻ xuống gần như chạm vào hình hoa văn phía trên ngực kiểu nút thắt "không đầu không cuối" rất quen thuộc trong trang trí kiến trúc Phật giáo Huế thế kỷ XIX. Hình nút thắt còn lặp lại lần nữa trên tà áo trước bụng tạo nên một mảng trang trí khá lạ trong bản khắc.
Thú vị nữa là nét chu vi của bản khắc tạo nên vòng tròn nối kết rất tự nhiên với các nét cong tròn ở cổ áo, nét thẳng của tà áo từ trên xuống và phối hợp với nét nhấn mô tả của tay áo, vạt áo, nét khắc hoa văn kỷ hà chéo răng cưa trên cán bút. Toàn bộ hình khắc nhìn thoáng, trong trẻo và nét khá sinh động. Tạo hình của bản khắc này cũng rất đặc trưng là cắt bỏ theo khuôn hình cậu bé chứ không để cả mảng gỗ hình chữ nhật như nhiều bản khắc lâu năm của làng Sình. Và, mảng gỗ để nối cây bút giơ cao ngang mặt với khối mảng khuôn mặt tạo nên sự hoàn thiện, bền chắc của hình chạm trên bản khắc.
Với phong cách tạo hình, hoa văn trang trí khác lạ, cách tạo mảng hình khối gỗ như vậy được các nhà nghiên cứu mỹ thuật dự đoán bản khắc có độ tuổi trên 50 năm. Tuy nhiên, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước với những kinh nghiệm của nghề làm tranh khắc lâu năm cho rằng chất gỗ nhẹ, nét đục kiểu cách này chắc cũng đã trên 100 năm.
2 - Lâu nay, các nhà nghiên cứu không chú ý nhiều về bản khắc này, nhưng qua việc nghiên cứu tổng thể về tranh dân gian làng Sình của nhóm giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế trong một đề tài KHCN cấp tỉnh đã nhận ra tính khác lạ, riêng biệt có phần độc đáo của bản khắc này khi đối chiếu hoa văn, nét tạo hình với những bản khắc gỗ khác lâu nay vẫn dùng của tranh làng Sình.
Từ khi phát hiện ra bản khắc này, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cũng đã đôi lần phục dựng, nhân bản hình ảnh cậu bé cầm bút trên gỗ mức, một loại cây gỗ nhẹ, dai, ít mọt và có thớ gỗ mịn đặc rất phù hợp để khắc nét mà không bị vỡ gãy như loại gỗ bột. Tuy nhiên, chưa lần nào ông Phước phục dựng, sao bản mà cắt thành khung hình như bản gốc này vì tính phức tạp và sự phù hợp với công việc vỗ bản in thuận lợi sau này. Nhưng từ đó, bên cạnh bản khắc "Cậu bé cầm bút" cũ có thêm bản khắc theo mẫu thức này để bổ sung và làm phong phú hơn cho hệ thống các bản khắc tranh thờ cúng dân gian làng Sình.
Bản khắc tranh "Cậu bé cầm bút" rõ ràng thuộc dòng tranh cúng thế mạng vốn rất quen thuộc trong đời sống tâm linh của cư dân Huế. Người Huế xưa tin rằng, khi trẻ ốm đau đã chạy chữa nhưng lâu khỏi hay có báo mộng, bất an sợ xảy ra chuyện chẳng lành, họ cần phải mời thầy cúng về làm lễ thế mạng với đồ cúng là trứng luộc, tranh giấy tiền, bạc, tranh Bà Càn Thát, tranh cung tên... rồi khấn vái, cầu xin an lành và cuối cùng hóa tranh (đốt) này để hy vọng trẻ hết ốm, mọi sự được an lành...
Có thể nói, loại tranh cúng thế mạng là loại tranh có chức năng cúng tế độc đáo của người dân làng Sình, người Huế nói riêng và người dân miền Trung nói chung. Ngày nay, người dân vẫn dùng những tranh nhân vật này để cúng trong các buổi lễ cầu an, cầu phúc, xin tai qua nạn khỏi. Tuy nhiên, việc tổ chức cúng đốt đã đơn giản hơn so với lúc trước. Đây cũng là loại tranh đã được du lịch hóa và rất được du khách nước ngoài quan tâm, thích thú bởi họ hiểu hơn một góc tâm linh rất độc đáo của người Huế xưa và cũng là một nét riêng của văn hóa truyền thống Việt còn lại hôm nay.
Bài, ảnh: PHAN THANH BÌNH