Thứ Năm, 16/11/2017 16:44

VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HÀ NỘI - 19 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Xuất phát từ vị trí, vai trò của Thủ đô, Hà Nội là một trong những địa phương được Chính phủ quyết định thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố sớm nhất cả nước (theo Quyết định số 221/1998/QĐ-TTg ngày 16/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ). Trong chặng đường 19 năm xây dựng và phát triển, ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Viện luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, cùng với các sở, ngành, đơn vị của Thành phố tích cực đóng góp tâm huyết, trí tuệ vào thành tựu chung trong sự nghiệp đổi mới Thủ đô và đất nước.

Nhìn lại quá trình phát triển

Gần hai thập kỷ qua, từ những ngày đầu thành lập đến nay, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đã trải qua các giai đoạn phát triển với những sự kiện và dấu mốc đáng nhớ:

 - Giai đoạn 1999 - 2002 là những năm đầu đặt nền móng cho sự phát triển của Viện, nhất là trong xây dựng tổ chức bộ máy, gây dựng, đào tạo đội ngũ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các luận cứ khoa học cho việc chỉ đạo lập và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn của Thành phố.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ban đầu Viện có 30 biên chế; tổ chức bộ máy gồm 04 phòng (Tổ chức hành chính, Kế hoạch và Quản lý khoa học, Nghiên cứu Kinh tế, Thông tin và Hợp tác quốc tế) và Trung tâm đào tạo và Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. Phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế thuộc Viện chủ trì vận hành Trang thông tin điện tử của thành phố Hà Nội (sau này bàn giao cho Sở Bưu chính Viễn thông khi sở được thành lập).

- Giai đoạn 2002 - 10 /200 8 là giai đoạn củng cố và phát triển của Viện. Trên cơ sở những kết quả hoạt động trong giai đoạn đầu, Viện được giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ và từng bước được lãnh đạo Thành phố giao một số nhiệm vụ có tính thực tiễn cao hơn. Viện vẫn giữ 30 chỉ tiêu biên chế và được UBND Thành phố phê duyệt bổ sung cơ cấu tổ chức mới với 05 phòng và một trung tâm: Giữ nguyên các phòng Tổ chức hành chính, Nghiên cứu Kinh tế và Trung tâm Đào tạo - Tư vấn phát triển kinh tế -  xã hội Hà Nội. Tổ chức lại phòng Kế hoạch và Quản lý khoa học, phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế thành phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế. Thành lập mới 02 phòng là Nghiên cứu Xã hội Nhân văn và Nghiên cứu Quản lý đô thị. Từ tháng 5/2007 đến tháng 10/2008 , Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sáp nhập vào Sở Kế hoạch và Đầu tư, trở thành đơn vị cấp hai của Sở, với những điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy.

- Giai đoạn từ tháng 10/2008 đến nay sau khi thành phố Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội được thành lập lại, trực thuộc UBND Thành phố (theo Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND ngày 10/10/2008 của UBND Thành phố).

Trong 09 năm này, Viện có những bước trưởng thành, phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Để xây dựng Viện xứng tầm viện nghiên cứu hàng đầu của đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Thủ đô trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 50/2016/QĐ-UBND ngày 12/12/2016 quy định lại vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện. Theo đó, Viện là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc UBND Thành phố, có chức năng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn Thành phố; chuẩn bị luận cứ khoa học giúp Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố lãnh đạo, chỉ đao, điều hành, ban hành cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Các nhiệm vụ của Viện cũng được quy định rất cụ thể, tập trung vào 03 lĩnh vực: Nghiên cứu và tham mưu với lãnh đạo Thành phố về định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tham gia đào tạo cán bộ quản lý kinh tế, quản lý xã hội sau đại học theo quy chế đào tạo của Nhà nước; tư vấn xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển theo địa bàn, ngành và lĩnh vực khi được yêu cầu.

Thực hiện Quyết định 50/2016/QĐ-UBND của UBND Thành phố, ngoài Hội đồng khoa học, cơ cấu tổ chức của Viện có sự thay đổi: Tổ chức lại 05 phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm Văn phòng; Phòng Nghiên cứu Kinh tế; Phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội; Phòng Nghiên cứu Đô thị và Phòng Nghiên cứu Tổng hợp. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện giảm từ 03 thành 02, gồm: Tạp chí khoa học, công nghệ và kinh tế thành phố Hà Nội và Trung tâm Thông tin - Đào tạo.

19 năm qua, ở giai đoạn nào, Viện cũng đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên. Hiện nay, Viện có 55 cán bộ, viên chức, người lao động; lãnh đạo Viện có Viện trưởng và 03 Phó Viện trưởng; toàn Viện có 07 Tiến sỹ, trong đó có 01 Phó Giáo sư; 29 Thạc sỹ và nhiều cán bộ đang là nghiên cứu sinh. Đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên của Viện ở nhiều độ tuổi, có sự hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm trong công tác quản lý, nghiên cứu và sự năng động, nhạy bén trong cập nhật kiến thức, ứng dụng khoa học công nghệ.

Đảng bộ Viện có 06 chi bộ trực thuộc với 42 đảng viên; Đảng ủy và lãnh đạo Viện thường xuyên phối hợp tốt, lãnh đạo Công đoàn và Đoàn Thanh niên cơ quan phát huy vai trò, hoạt động có hiệu quả, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị.

Những thành tích nổi bật

Những năm qua, hoạt động chuyên môn của Viện luôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát nhiệm vụ chính trị của Thành phố, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Nổi bật là:

- Chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu, tư vấn giúp lãnh đạo Thành phố trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị của Thủ đô trong gần hai thập kỷ, đặt trong bối cảnh đổi mới Thủ đô và đất nước, đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế và thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thành phố. Viện đã tích cực tham gia nghiên cứu xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quan trọng phát triển Thủ đô giai đoạn 2001 - 2010, giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030; nghiên cứu, tư vấn xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương của Thành phố. Tích cực tham gia nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến XVI; tham gia xây dựng các chương trình công tác lớn của Thành ủy trong các nhiệm kỳ; xây dựng Pháp lệnh Thủ đô và Luật Thủ đô; các chương trình hành động của Thành phố thực hiện nghị quyết Trung ương;...

- Viện đã chủ trì và phối hợp nghiên cứu trên 100 đề tài kinh tế - xã hội và nhiều đề án, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của Thành phố, qua đó, kiến nghị, đề xuất Thành phố nhiều giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, như: định hướng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế Thủ đô, CNH, HĐH Thủ đô; xây dựng chính quyền điện tử; giải pháp đẩy mạnh kinh tế Hà Nội hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế; phát triển nghề và làng nghề; tái cấu trúc kinh tế, phát triển kinh tế tri thức; giải pháp tiếp cận dịch vụ xã hội của người nghèo; phát triển văn hoá, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; tác động nguồn lực văn hóa tới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân;... Từ kết quả các công trình nghiên cứu tiêu biểu, Viện đã phát hành hàng chục đầu sách có giá trị.

- Tích cực hợp tác với các cơ quan trong và ngoài nước trong nghiên cứu khoa học. Viện đã mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế tại Hà Nội và ngoài nước: Ngân hàng Thế giới; Tổ chức viện trợ Mỹ (US-AEP), Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-Habitat), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thủ đô Viêng Chăn (Lào), Học viện công nghệ Karlsruhe;...; tổ chức thành công Đại hội Hội Hữu nghị Việt - Mỹ nhiệm kỳ 2017-2022. Trong nước, Viện thường xuyên trao đổi, phối hợp nghiên cứu khoa học với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, tỉnh Bình Định và tỉnh Bắc Ninh; với các nhà khoa học và các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.  

- Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2017, Viện đã ổn định bộ máy, tổ chức các phong trào thi đua, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Công tác nghiên cứu khoa học của Viện chuyển mạnh sang nghiên cứu theo đặt hàng, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn, vấn đề bức xúc của Thủ đô.

Viện đã chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố trình Thường trực, Ban thường vụ Thành ủy thông qua Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Thành phố. Hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ đột xuất được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao, như: xây dựng Báo cáo đánh giá khả năng đáp ứng tiêu chí CNH, HĐH của Thành phố Hà Nội; Báo cáo đánh giá những rủi ro có thể trở thành thảm họa của Thành phố; điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá các Nghị quyết của HĐND Thành phố về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2011 - 2016; đề xuất UBND Thành phố cho phép chủ trì tổ chức khóa đào tạo về phát triển nông nghiệp đô thị vùng ven đô (do chuyên gia Hàn Quốc giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình); xây dựng Báo cáo chuyên đề gửi Thành phố về cải thiện chỉ số PAPI, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch nâng cao chỉ số PAPI cho Hà Nội.

Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực, thu thập số liệu đầu vào thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Thành phố. Thực hiện có hiệu quả các đề án, nhiệm vụ được giao về cải cách hành chính; phối hợp xây dựng kế hoạch hội thảo Thành phố về “Phát triển thị trường Bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội”; phát hành Đặc san kinh tế - xã hội Thủ đô, Bản tin Hội nhập và Phát triển đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Định hướng phát triển thời gian tới

Giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo đối với Thủ đô Hà Nội được dự báo sẽ có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen do những tác động mạnh mẽ từ tình hình thế giới, trong nước và những yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Thành phố giao, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố sẽ tập trung hoạt động theo định hướng, nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Căn cứ Đề án vị trí việc làm được UBND Thành phố phê duyệt, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp các vị trí việc làm phù hợp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhất là về tinh thần trách nhiệm, kỷ cương hành chính, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn. Xây dựng tập thể cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh. Từng bước xây dựng và thực hiện phương án tự chủ theo lộ trình, phù hợp với quy định và điều kiện, tình hình thực tiễn của Viện.

- Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt công tác tham mưu, tư vấn giúp Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị. Trọng tâm là tham mưu xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Thành phố phục vụ tổng kết Nghị quyết Đại hội XVI, xây dựng khung nội dung văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố; nghiên cứu dự báo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, hoạch định chính sách;...

- Tăng cường nghiên cứu khoa học theo hình thức nhận đặt hàng từ Thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương của Thành phố, gắn với những vấn đề nổi cộm, khó khăn, bức xúc của Thủ đô trong xu thế hội nhập, phát triển (công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng; phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị; phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh;...).   

- Tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự phối hợp, hợp tác, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Củng cố, mở rộng, thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác trong nước, quốc tế trong nghiên cứu khoa học; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm; đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, tư vấn trên các lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động; từng bước phát triển, khẳng định vai trò, vị thế viện nghiên cứu hàng đầu của Thủ đô và đất nước.

*

*      *

Phát huy truyền thống 19 năm xây dựng, trưởng thành, tinh thần quyết tâm và nỗ lực vượt khó, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục phấn đấu và tin tưởng sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./. 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM