Toàn cảnh hội thảo
Tham vấn 06 nội dung để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch
Phát biểu mở đầu hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến thời điểm này, cả nước đã cơ bản hoàn thành việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia, phê duyệt 1 quy hoạch vùng và Hội đồng thẩm định đã thông qua 5 quy hoạch vùng còn lại; đã hoàn thành thẩm định xong 59/63 quy hoạch tỉnh, trong đó đã phê duyệt 52/63 quy hoạch tỉnh. Một số địa phương được phê duyệt quy hoạch tỉnh đang tổ chức thực hiện quy hoạch thành công, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP nhanh nổi bật như: Bắc Giang (tỉnh phê duyệt quy hoạch đầu tiên cả nước và có tăng trưởng cao nhất cả nước trong năm 2023), Hà Tĩnh (tỉnh phê duyệt quy hoạch thứ hai và có tăng trưởng cao nhất vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung trong năm 2023), Quảng Ninh (tỉnh phê duyệt quy hoạch thứ ba và có tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng trong năm 2023).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội thảo
Riêng Thủ đô Hà Nội, bên cạnh tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được, trong những năm gần đây vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Nếu như vào năm 2011, GRDP Hà Nội chiếm 48% GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng, đến năm 2022 chỉ còn chiếm 42,2% vùng Đồng bằng sông Hồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP có xu hướng thấp dần so với các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng (cụ thể: Năm 2023 tăng trưởng kinh tế của Thủ đô chỉ đạt 6,27% đứng thứ 9/11 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng; xếp sau Quảng Ninh (11,03%), Hải Phòng (10,34%), Hưng Yên (10,05%), Nam Định (10,19%), Hà Nam (9,41%), Hải Dương (8,16%), Thái Bình (7,37%), Ninh Bình (7,27%). Quan trọng hơn, sự phát triển kinh tế của Hà Nội còn dựa nhiều vào đầu tư vốn, chất lượng tăng trưởng còn thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “Theo đề nghị của UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư - cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Quy hoạch Thủ đô. Hội nghị thể hiện sự chủ động phối hợp, cầu thị của Lãnh đạo Thành phố, với quyết tâm cao nhất huy động trí tuệ và các ý kiến tâm huyết để cùng xây dựng bản quy hoạch Thủ đô chất lượng cao nhất, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của Thủ đô”. Và để bảo đảm Quy hoạch Thủ đô Hà Nội chất lượng, hiệu quả và khả thi, Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, thảo luận cho ý kiến về 7 nhóm vấn đề, cụ thể: Xác định các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết; Xác định các khâu đột phá phát triển, cơ cấu lại mô hình tăng trưởng của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch; Quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch; Các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đó; Định hướng tổ chức không gian phát triển của Thủ đô; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật; Định hướng, giải pháp về phát triển văn hóa - xã hội; Giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch.
|
|
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đồng hành cùng Thành phố trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô
Thông tin về tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hiện nay hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định với hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã, cùng với các báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch (ĐMC), báo cáo tóm tắt, hệ thống phụ lục, hệ thống sơ đồ, bản đồ được xây dựng trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS). Để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô, Thành phố mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các các chuyên gia, các Bộ, ngành tập trung vào 6 nội dung gồm: Kết cấu của báo cáo Quy hoạch, bổ sung thêm nội dung về lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô; Xác định các điểm nghẽn, các thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh mới và mục tiêu trở thành Thành phố toàn cầu; Bảo vệ, khai thác các giá trị của hệ thống sông, hồ, trong đó đặc biệt là sông Hồng, vấn đề hài hoà giữa phòng chống lũ và khai thác các giá trị sông Hồng để phát triển; Phân vùng kinh tế - xã hội, phân vùng đô thị, phân vùng liên huyện đối với mô hình Thành phố trực thuộc Thủ đô; Các giải pháp để huy động nguồn lực phát triển, nhất là các nguồn lực mới, khơi thông các nguồn lực đang tồn tại dưới dạng tiềm năng; Bảo vệ môi trường và các nội dung của Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
“Với tinh thần cầu thị, Thành phố Hà Nội luôn lắng nghe và mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý góp ý nhiều ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, các giải pháp khả thi và đồng hành cùng với Thành phố trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô” - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh bày tỏ.
Quy hoạch đề xuất 20 mục tiêu cụ thể
Trình bày những nội dung cơ bản của Quy hoạch Thủ đô, GS.TS Hoàng Văn Cường – đại diện Liên danh tư vấn Lập Quy hoạch Thủ đô cho biết, xuất phát từ tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển, đó là: 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian. Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; phát triển đô thị xanh; lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.
GS.TS. Hoàng Văn Cường trình bày những nội dung cơ bản của Quy hoạch Thủ đô
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: Không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hoá; không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...
Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 06 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể (1) Bảo vệ môi trường; (2) Giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; (3) Kinh tế; (4) Văn hóa xã hội; (5) An ninh, an toàn; (6) Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực. Quy hoạch Thủ đô đã xác định nhiệm vụ về môi trường là nhiệm vụ cấp bách, cần giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng sông, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường không khí và giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ.
Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: Đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Nghiên cứu phân bổ không gian phát triển thành 05 vùng phát triển kinh tế - xã hội. Các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với 4 tuyến hành lang và 1 vành đai kinh tế để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, trên cơ sở ý kiến tham vấn của các Bộ và các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.
Xác định động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Hà Nội
Tại hội thảo, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẳng định vị trí vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội (chiếm 13% GDP cả nước và 43% của Đồng bằng sông Hồng), do đó trong quy hoạch cần xác định đúng vị trí của Thủ đô đối với vùng và cả nước. Đồng thời, cần xác định lại cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao cơ cấu ngành công nghiệp.
TS. Cao Viết Sinh khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội
Ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á thì đặt vấn đề “Yếu tố nào là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Hà Nội?”. Theo ông, kinh tế phát triển nên tập trung vào số lượng ít ngành thế mạnh có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Hà Nội nên nhìn vào các thành phố lớn khác ở châu Á, đều xác định các ngành kinh tế mũi nhọn để ưu tiên tập trung, tạo động lực phát triển. Cũng theo chuyên gia này, dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội nêu ra nhiều khía cạnh giúp Thành phố tăng trưởng nhưng nếu không có ý tưởng đột phá thì Hà Nội khó tăng trưởng như kỳ vọng. Do đó, Thành phố cần tập trung một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, đột phá để thúc đẩy tăng trưởng; cần cân nhắc lợi thế cạnh tranh với các thành phố khác, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Các lĩnh vực về tài chính, công nghiệp và các ngành công nghệ chính là mũi nhọn để giúp kinh tế Hà Nội phát triển hơn.
Ông Christopher Lewis Malone đặt vấn đề “Yếu tố nào là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Hà Nội?”
Đồng quan điểm với đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô khi đưa ra 06 điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, PGS.TS. KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên cần nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của các Bộ, ngành và Chính phủ trong giải quyết các điểm nghẽn cho Thủ đô. Ông Hanh khẳng định, “Các kịch bản phát triển được đơn vị tư vấn đặt ra thể hiện nhiều tham vọng và chỉ đạt được với điều kiện Thành phố áp dụng mô hình phát triển mới, theo hướng xanh, số, tuần hoàn, thông minh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.
TS. Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình định cư - con người của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UN Habitat) đánh giá, dự thảo Quy hoạch đã nhìn trực diện vào nhiều vấn đề của Hà Nội để đưa ra nhiều định hướng phát triển chuẩn. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo Quy hoạch chưa làm nổi bật được vai trò của nền kinh tế phi chính thức, đưa ra các giải pháp tổ chức tốt hơn để thu được thuế, tạo nguồn lực cho thành phố từ khu vực này. Dự thảo cũng chưa dự kiến được năng lượng tiêu thụ đến năm 2030 và chiến lược thích đáng ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện chiến lược quốc gia về giảm phát thải bằng 0 mà Hà Nội có vai trò đi đầu.
TS. Nguyễn Quang đánh giá, dự thảo Quy hoạch đã nhìn trực diện vào nhiều vấn đề của Hà Nội để đưa ra nhiều định hướng phát triển chuẩn
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải bày tỏ sự trân trọng trước các ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo về nguồn lực, động lực với các nội dung cụ thể về hạ tầng giao thông kết nối, trục sông Hồng, mô hình 2 thành phố trực thuộc Thủ đô; văn hoá sáng tạo và con người, tài nguyên nhân văn và tài nguyên số… Thành phố xác định Quy hoạch Thủ đô là quá trình, không phải là sản phẩm cuối cùng. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch hành động cụ thể theo từng phân kỳ thời gian, lựa chọn chiến lược ưu tiên thực hiện.
Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thời gian thảo luận có hạn, song hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham vấn giá trị, thẳng thắn, trách nhiệm, khách quan của các chuyên gia. Tất cả đều hướng đến việc xây dựng Thủ đô phát triển tốt hơn trong thời gian tới. Về nội dung dự thảo Quy hoạch Thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu theo quy trình, quy định của Luật Quy hoạch, các đề xuất có tính logic, hợp lý. Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiên cứu tiếp thu, giải trình hợp lý các ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các Bộ, ngành để sớm hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch. Trong đó, cần đánh giá được nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, xác định đúng các điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, cũng như làm rõ hơn vai trò,sứ mệnh của Thủ đô với sự phát triển của vùng và cả nước. Xác định những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên và các giải pháp thực hiện với yêu cầu là cần tư duy mới, tầm nhìn mới, chiến lược hơn để tạo tạo ra các giá trị mới, động lực mới cho Thủ đô.
Đồng thời, cần bám sát các Nghị quyết của TƯ, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch các địa phương trong vùng đã được xây dựng để đảm bảo tính đồng bộ. Đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chú trọng bảo vệ môi trường. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Tập trung khai thác không gian ngầm kết hợp với phát triển đường sắt đô thị. Đưa ra giải pháp đột phá để thu hút nguồn lực để phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm nghìn năm văn hiến. Thành phố cần có cơ chế chính sách thu hút nhân tài, lấy đó làm động lực tăng trưởng… Ngoài ra, cũng cần chỉ đạo tập trung hoàn thiện hệ thống sơ đồ bản đồ, cơ sở dữ liệu, đảm bảo đủ các yếu tố trình thẩm định.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề nghị các Bộ, ngành, chuyên gia tiếp tục có ý kiến đóng góp vào nội dung quy hoạch. Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ sát cách với Hà Nội để hoàn thiện các thủ tục cần thiết, quy trình để trình Quốc hội thông qua, Chính phủ phê duyệt quy hoạch trong thời gian tới.
Thực hiện: Trung tâm Thông tin - Đào tạo