Thứ Bảy, 04/05/2024 09:50

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Tầm nhìn, tư duy mới tạo cơ hội và giá trị mới

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua, là bước quan trọng tiếp theo trong quy trình thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch. Đồ án đang tiếp tục được thực hiện đồng thời các bước trình xin ý kiến các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, thông qua cùng với quá trình bổ sung, hoàn thiện.4 khâu đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập trên tinh thần khẩn trương, phương pháp tích hợp, đồng bộ, cách làm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới. Đây sẽ là căn cứ khoa học và công cụ quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo không gian, động lực phát triển nhằm khai thác tối đa tiềm năng nổi trội, lợi thế đặc thù của thành phố với “tầm nhìn mới - tư duy mới” để tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới”.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định đến năm 2030, Hà Nội là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

 

Các nội dung đề xuất, phương án phát triển trong Quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển gồm: Văn hóa, con người và di sản nghìn năm văn hiến; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình phát triển đã được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra trong quá trình nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch, Quy hoạch Thủ đô đã xác định được 4 khâu đột phá phát triển bao gồm: Thể chế và quản trị; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, và đổi mới sáng tạo; đô thị, môi trường và cảnh quan.

Quy hoạch Thủ đô đồng thời xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; nhiệm vụ về giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; nhiệm vụ về kinh tế; nhiệm vụ về văn hóa xã hội; nhiệm vụ về an ninh, an toàn; nhiệm vụ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực.

Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô chú trọng đến việc tổ chức không gian phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, phát triển hài hòa đô thị và nông thôn.

Cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội bao gồm: 5 không gian phát triển - 5 hành lang và vành đai kinh tế - 5 trục động lực - 5 vùng kinh tế - xã hội - 5 vùng đô thị. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).

Không gian đô thị sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái. Mô hình thành phố trong Thủ đô được xây dựng với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô.

Thành phố đồng thời nghiên cứu, hình thành các mô hình đô thị mới theo chức năng đặc thù; mô hình đô thị với tiêu chuẩn, tiện nghi vượt trội. Khu vực nông thôn phát triển hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị.

Hoàn thiện các định hướng lớn phát triển Thủ đô

Từ cuối tháng 02/2024 đến nay, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã tiến thêm nhiều bước đặc biệt quan trọng: Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thống nhất thông qua ngày 23/02; Đảng đoàn Quốc hội góp ý tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 5/3; Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua ngày 27/3; HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp chuyên đề ngày 29/3.

Qua các hội nghị, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (cơ quan lập quy hoạch và tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô theo quy định của pháp luật) đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, góp ý nhằm hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thủ đô trong suốt quá trình lịch sử; đây là cơ sở khai thác, phát huy các giá trị truyền thống để phát triển Thủ đô.

Theo dự thảo quy hoạch, quan điểm phát triển Thủ đô gắn với 3 chuyển đổi: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; nhấn mạnh vai trò của Hà Nội đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, cả nước theo định hướng của Quy hoạch quốc gia và các nghị quyết của Trung ương được chú trọng rà soát, hoàn thiện.

Ngoài ra, các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá được làm sắc nét hơn, trong đó nhấn mạnh đột phá về hạ tầng đồng bộ, kết nối và liên kết vùng. Thành phố xác định giai đoạn đến năm 2030 tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là việc đầu tư 14 tuyến đường sắt đô thị để giải quyết triệt để vấn đề giao thông khu vực nội đô, xây dựng hệ thống cầu vượt sông nhằm phát triển mạnh về phía Bắc sông Hồng; nghiên cứu, xây dựng sân bay quốc tế thứ hai và sử dụng sân bay lưỡng dụng. Thành phố cũng chú trọng phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, tạo bước chuyển nhanh trong tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, thành phố ưu tiên thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, khai thác hiệu quả hệ thống sông, hồ cho phát triển xanh và du lịch Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường không khí.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, đơn vị lập quy hoạch đã làm rõ hơn định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Nhấn mạnh và bổ sung các phương án phát triển kinh tế đô thị là khu vực động lực của kinh tế Thủ đô; xác định rõ hơn vai trò quan trọng của công nghiệp để kinh tế Hà Nội có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới, giúp Hà Nội thực hiện vai trò cực tăng trưởng, động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.

Nâng cao chất lượng Quy hoạch Thủ đô

Quy hoạch Thủ đô đến giai đoạn hiện nay đã làm rõ, nhấn mạnh hơn vai trò của văn hóa; xác định văn hóa, con người vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển Thủ đô.

Đặc biệt, đơn vị lập quy hoạch bổ sung thêm nhiều phương án quy hoạch, các giải pháp bảo tồn, phát huy, khai thác lợi thế, giá trị văn hóa, phát triển các không gian văn hóa của Thủ đô Hà Nội, nâng tầm bằng công nghệ số để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Đồng thời, bổ sung thêm nội dung nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố toàn cầu.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của đồ án quy hoạch là hoàn thiện thêm nội dung sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm kéo gần khoảng cách kết nối giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước.

Phương án quy hoạch phát triển sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội được làm rõ hơn. Đây chính là động lực quan trọng phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. Ngoài ra, các nội dung về phát triển đô thị hài hòa với nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng đã hoàn thiện rõ nét.

Với những nội dung chính được rà soát, tiếp thu nêu trên, Quy hoạch Thủ đô sau khi tiếp thu, hoàn thiện theo những nội dung chỉ đạo, góp ý của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Thẩm định, lãnh đạo Thành ủy, HĐND thành phố Hà Nội đã được nâng cao chất lượng.

Bản quy hoạch sau khi hoàn thiện vừa mang tính khái quát, thể hiện những định hướng lớn cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới; đồng thời làm rõ nét hơn các không gian phát triển của các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển Thủ đô. Đồng thời, làm rõ hơn những nội dung cụ thể để Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt vai trò cực tăng trưởng, động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

TS. Lê Ngọc Anh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

TS. Lê Ngọc Anh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3
Chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội về ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bão số 3 gây ra. Chiều ngày 16/9/2024, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức phát động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3 (Yagi).