Thứ Năm, 20/06/2024 04:07

Tạo cơ hội mới, giá trị mới, tầm nhìn mới trong phát triển Thủ đô

Sáng ngày làm việc thứ 21 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (ngày 20/6/2024), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến đối với 02 quy hoạch quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Các đại biểu thống nhất cho rằng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là 02 nhiệm vụ quy hoạch quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài. Để hoàn thiện 02 nhiệm vụ quy hoạch, đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo 02 nhiệm vụ quy hoạch tuân thủ Luật quy hoạch, phù hợp với chủ trương của Đảng, có tầm nhìn mới, tư duy mới, tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời bảo đảm thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn giữa 02 nhiệm vụ quy hoạch với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành, tương thích với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Rà soát, hoàn thiện thêm các nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên, tính thống nhất, đồng bộ của số liệu, hồ sơ, tài liệu trong hai nhiệm vụ quy hoạch.

 

Toản cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 20/6/2024

Đối với quy hoạch Thủ đô Hà Nội, các đại biểu đề nghị đánh giá thêm về các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô Hà Nội; Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng và nước thải đô thị, tính đồng bộ giữa các phương thức vận tải. Đánh giá thêm những bất cập, hạn chế gây ra các điểm tắc nghẽn và các quy hoạch thời kỳ trước, cụ thể hơn mục tiêu phát triển; Nghiên cứu, hoàn thiện về ngành quan trọng tương ứng với các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển. Đối với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, các đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện thêm một số nội dung về thực trạng, dự báo, dự kiến phát triển, thời kỳ, tầm nhìn, mục tiêu phát triển các chương trình, dự án đột phá trọng tâm của thời kỳ quy hoạch.

Để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) bảy tỏ sự vui mừng khi cầm trên tay 02 văn bản được Chính phủ và Thành phố Hà Nội trình để Quốc hội cho ý kiến. “Đây là 2 văn bản trí tuệ, trách nhiệm và chất chứa nhiều khát vọng của nhân dân, của Thủ đô. Các đồ án quy hoạch có cách nhìn, cách viết rất tốt. Những người tham gia soạn thảo cũng là vinh dự trong cuộc đời” - ông Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận

Góp ý kiến vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ ấn tượng về phương án phát triển trục sông  Hồng, để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển Thủ đô. Đồng thời, đồng tình với các định hướng, giải pháp Hà Nội đưa ra trong cải tạo chung cư cũ, đặc biệt cấp thiết trong tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng hiện nay, hay giải quyết các dòng sông ô nhiễm, các vấn đề về rác thải, nước thải. 

Về quy hoạch đô thị, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất việc lập các đồ án quy hoạch mới là cơ hội để thành phố thay đổi, hạn chế việc phát triển nhà ống; không phát triển nhà cao tầng trong nội đô; Với quy hoạch hệ thống y tế Thủ đô, ông Trí cho rằng, cần thấy đây là quy hoạch không chỉ cho Thủ đô mà cho vùng miền, cho cả quốc gia vì hầu hết bệnh viện lớn đầu ngành đều tập trung ở đây. Các bệnh viện lớn, đặc biệt chuyên khoa nên tập trung cao độ, nên có trung tâm y khoa, viện chuyên khoa để phối hợp với nhau. Bệnh viện đa khoa dưới 500 giường ở các quận, huyện; phòng khám đa khoa ở khắp các khu dân cư, càng gần dân càng tốt. Về phát triển không gian ngầm, nên có đồ án quy hoạch riêng với sự tham gia tư vấn, lập quy hoạch của nhiều chuyên gia giỏi. Nếu nội dung này không thực hiện kịp trong thời điểm này thì nên quy định tại hai đồ án để sẽ tách ra thực hiện riêng, trình Quốc hội ở dịp khác. 

Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông nội đô

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) khẳng định, Quy hoạch Thủ đô là một quy hoạch tỉnh, nhưng không phải như quy hoạch các tỉnh khác là quy hoạch cho một địa phương, Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch cho Thủ đô của cả nước. Do vậy, ở đây phải mang tất cả những yếu tố hội tụ và mang tính đại diện cho sự phát triển của cả nước. Chính vì vậy, quy hoạch này đã được sự quan tâm và thu hút được sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học trên cả nước thuộc tất cả các lĩnh vực, đặc biệt rất nhiều chuyên gia của tổ chức lớn trên thế giới tham gia để có được sản phẩm quy hoạch.

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 20/6/2024

“Chúng tôi là những người tham gia thấy rất hài lòng và yên tâm. Tuy nhiên, làm thế nào để quy hoạch chúng ta xây dựng lên sẽ được triển khai thực hiện theo những điểm chúng ta đã chỉ ra và chúng ta đều kỳ vọng” - đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ. Theo ông, có 3 vấn đề cần quan tâm và trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch này. Thứ nhất, phải giải quyết vấn đề, nút thắt lớn nhất của Thủ đô Hà Nội hiện này là vấn đề giao thông ùn tắc. Trọng tâm là Hà Nội đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra, thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân có thể di chuyển bất kể một địa điểm nào trên khu vực Thủ đô, có thể sử dụng đường sắt thì khi đó, chúng ta sẽ tự động thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân. Như vậy, những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt này. 

Khi mạng lưới đường sắt phát triển như thế thì kết nối với các vùng ngoại thành, tự động sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô ra phát triển ở những vùng đô thị mới, đặc biệt là hệ thống đường sắt này còn kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam. Như vậy sẽ biến các tỉnh đó, các đô thị đó gần như là những đô thị vệ tinh để tạo ra kết nối phát triển, đồng thời cũng phân tán sự tập trung, đó là khâu kết nối đầu tiên. Khi đã có được một hệ thống đường sắt như thế, tự động những khu vực đô thị hiện đang rất bức xúc như khu chung cư cũ, những khu nhà dân thấp tầng lụp xụp, chen chúc, mất an toàn, với sự phát triển của hệ thống đường sắt, sự phát triển các ga đường sắt ở tại điểm đó hoàn toàn có thể xây dựng nên những mô hình đô thị hiện đại bằng cách là hàng chục nhà thấp tầng như những chung cư cũ hiện nay có thể dồn lại, chỉ cần xây dựng 2-3 nhà cao tầng mới. 

Như vậy phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới trở thành một khu thương mại dịch vụ, như là những khu phố ngầm và trên mặt đất trở thành không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển công cộng và đấy mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại chứ không thể tồn tại như những khu chung cư cũ, những khu nhà phố chật chội hiện nay. Tôi cho rằng việc này không cần tốn tiền, nếu chúng ta có đường sắt rồi thì tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo được các đô thị.

Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần đầu tư xây dựng một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải sinh hoạt Thành phố ra hệ thống môi trường là nước sạch, không còn ô nhiễm. Việc này đồng thời với việc triển khai xây dựng ngay 2 đập tràn dâng nước trên sông Hồng và sông Đuống - việc này đã có trong quy hoạch thủy lợi mà Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhiều lần đề xuất. 

Khi xây dựng 2 đập, tự nhiên mặt nước sông Hồng vào mùa cạn sẽ dâng cao và sẽ đẩy nước vào sông Đáy, sông Nhuệ, hệ thống sông Bắc Hưng Hải, tự động làm các dòng sông này sống lại, chảy trôi, không còn hạn hán như hiện nay. Đặc biệt ý nghĩa là hệ thống đập dâng nước này giúp hằng năm tiết kiệm khoảng 5 tỷ m3 nước của các hồ như hồ Hòa Bình không phải xả nước vào mùa cạn, giúp có nước cho sản xuất của cả vùng Đồng bằng sông Hồng, không thiếu nguồn nước phát điện và mặt sông của khu vực Hà Nội trở thành một mặt hồ tràn. Khi đó chúng ta xây dựng 2 con đường di sản 02 bên sông như quy hoạch. Một bên là con đường để thể hiện lịch sử ngàn năm văn hiến, các câu chuyện lịch sử dựng nước, những câu chuyện như Hà Nội 60 ngày đêm Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… Như vậy tự con đường di sản bên sông đó sẽ trở thành một không gian cho du lịch, không gian văn hóa, không gian để tổ chức những các hoạt động thương mại, dịch vụ. Một bên sông đề xuất xây dựng một con đường di sản quy tụ, thể hiện những hình ảnh về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Chúng ta sẽ thấy được hình ảnh của cả 63 tỉnh, thành của cả đất nước được hội tụ trên bề mặt sông Hồng. 

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong quy hoạch chỉ ra trục phát triển Hồ Tây - Cổ Loa là một trục kết nối giữa trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình và trung tâm hành chính mới của thành phố Hà Nội ở phía Bắc sông Hồng. Hiện nay, trung tâm hành chính của Hà Nội đang phân tán rất nhiều sở, ngành ở các nơi, khi đó chúng ta sẽ đẩy được trung tâm phát triển về phía Bắc, tạo ra được kết nối giữa 2 bên. Hiện nay Hà Nội cũng chưa có một không gian nào để làm đại lộ, quảng trường, nơi tụ họp xây dựng những công trình lớn, chính trục đại lộ quảng trường kết nối giữa trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình với trung tâm hành chính của thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ tạo nên nơi hội tụ của người dân những dịp lễ hội.

Cùng với đó, cần phải có cơ chế hỗ trợ người dân ở khu vực phố cổ. Muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này, phải hỗ trợ người dân về nơi ở và thực hiện cơ chế không thu hồi nhà của họ. Nếu được hỗ trợ như vậy, người dân sẽ dành không gian này cho kinh doanh dịch vụ, thương mại. Người ta có thể tự sản xuất, kinh doanh, hoặc cho những nhà đầu tư vào đầu tư, cải tạo trở thành những nơi lưu trú, kinh doanh ăn uống. Như vậy chúng ta sẽ phát triển được không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực Bờ Hồ như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, cả khu vực Hồ Tây, cả khu vực sông Hồng trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm.

Bộ Xây dựng đồng hành với UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch

Làm rõ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg. Qua một thời gian thực hiện đã phát huy được hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển Thủ đô. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập cũng như để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô, cần thiết phải điều chỉnh Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm

Đối với Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, lần này chúng ta xác định giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn là tới năm 2045 và có tầm nhìn đến năm 2065. Với tầm nhìn quy hoạch đến năm 2065, thành phố Hà Nội là thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại và trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước và có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đồ án này có một số nội dung mới. Cụ thể, đồ án lần này là xuất phát từ thực tế phát triển và qua rà soát, đánh giá điều chỉnh dự báo phát triển cho Thủ đô để phù hợp với quy hoạch Thủ đô như đã báo cáo Quốc hội; có kế thừa và điều chỉnh quy mô cấu trúc đô thị. Đồng thời, trong đồ án lần này có đặt vấn đề kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn. Điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh để phù hợp với định hướng phát triển của Thủ đô cũng như để phù hợp với định hướng phát triển trong các quy hoạch ngành quốc gia đã xác định cho từng giai đoạn để đảm bảo kết nối hạ tầng vùng, phát triển giao thông công cộng thông minh.

Sau lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định Bộ Xây dựng sẽ cùng với UBND thành phố Hà Nội là cơ quan lập quy hoạch sẽ có báo cáo nghiên cứu, tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của Quốc hội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để chúng ta tiến hành triển khai thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Thực hiện: Trung tâm Thông tin - Đào tạo

Thực hiện: Trung tâm Thông tin - Đào tạo
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3
Chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội về ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bão số 3 gây ra. Chiều ngày 16/9/2024, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức phát động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3 (Yagi).

ĐƯA HỆ THỐNG CAMERA GIÁM SÁT VÀO QUẢN LÝ ĐÔ THỊ
ĐƯA HỆ THỐNG CAMERA GIÁM SÁT VÀO QUẢN LÝ ĐÔ THỊ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND “Rà soát, đánh giá hiện trạng và nhu cầu triển khai hệ thống camera giám sát, xây dựng vị trí chung, tổng thể cho hệ thống camera của Thành phố”. Đây là tiền đề để hình thành hệ thống camera giám sát phục vụ quản lý đô thị, tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô.