Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Thành phố đến các sở, ban, ngành; 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.
Dự tại điểm cầu Thành phố có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội…
Toàn cảnh đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thành phố
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô 2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025). Đây là đạo luật rất quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội, quy định rõ hơn về vị trí, vai trò của Thủ đô và những cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Qua đó tạo thể chế thuận lợi, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại theo Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, định hướng các cơ chế, chính sách lớn cho việc triển khai xây dựng Luật Thủ đô; các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học… đã dành tình cảm, quan tâm, ủng hộ và tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho việc xây dựng, hoàn thiện Luật Thủ đô.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ, Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản để chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thủ đô. Cụ thể: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô; Xây dựng các văn bản để tổ chức thi hành Luật; rà soát hệ thống văn bản của Thành phố và theo dõi việc thi hành pháp luật và rất nhiều nhiệm vụ khác có liên quan. Khối lượng công việc cần triển khai thực hiện rất lớn và phức tạp, yêu cầu các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức của Thành phố phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô; hiểu rõ được các quy định cụ thể cũng như mối quan hệ giữa các quy định của Luật Thủ đô trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật.
Tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đã quán triệt các nội dung chủ yếu của Luật Thủ đô. Theo đó, Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp, chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 36 tập thể, 79 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, ban hành Luật Thủ đô năm 2024 (trong đó có tập thể Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội).
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh trao tặng Bằng khen
cho các tập thể có thành tích xuất sắc
Thực hiện: Trung tâm Thông tin - Đào tạo