Chị Nguyễn Thị Bông (phải) lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân
Làm giàu bằng đôi bàn tay
Hẹn lên thăm mô hình kinh tế của chị Bông tại Thượng Quảng, nhưng phải lần thứ 3 chị mới sắp xếp được, bởi dịp này chị đang tập trung thu hoạch mủ cao su.
Ngôi nhà chị Bông, khác biệt với người dân xã Thượng Quảng bởi có đại lý kinh doanh tổng hợp to và rộng.
Chị Hồ Thị Xong, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Quảng giới thiệu, đại lý này được người dân ở đây gọi là "siêu thị" của xã, bởi có sẵn nhiều các mặt hàng. Đó là chưa tính 15 ha cao su và keo tràm cùng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Thu nhập của gia đình chị Bông ước tính gần 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. Nhưng để được như vậy, vợ chồng chị Bông từ hai bàn tay trắng phải vượt qua không biết bao nhiêu vất vả, khó khăn.
Nhiều năm trước, gia đình chị thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư xóa đói giảm nghèo của địa phương. Vừa được hỗ trợ vốn, vừa được hướng dẫn kỹ thuật làm nông nghiệp, qua nhiều lần tham gia các lớp tập huấn, người phụ nữ Cơ Tu chăm chỉ học tập rồi cần mẫn áp dụng vào thực tế bằng nguồn vốn vay ưu đãi.
Chị nhận định, nuôi dê cho thu nhập cao và nhanh, nhưng bò lại là giống nuôi chủ lực. Thức ăn cho cả hai chủ yếu tận dụng từ thiên nhiên, chỉ tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, hai loại con này cần nhiều thời gian mới thu hồi vốn, sinh lãi. Vậy nên, chị tính toán phát triển đàn gà, heo, lấy ngắn nuôi dài. Có được lãi từ chăn nuôi, chị Bông đầu tư trồng cao su và keo. Để kịp việc, chị thường dậy từ lúc 2h sáng đi cạo mủ cao su, tối đỏ đèn còn chăm sóc đàn gà, đàn lợn.
Quyết làm giàu, chị Bông tận dụng thế mạnh địa phương. Người dân ở đây muốn mua sắm tiện nghi trong nhà, hay đồ dùng cá nhân phải ra tận thị trấn Khe Tre, hơn chục cây số, nên chị mở đại lý, đầu tư các mặt hàng tổng hợp. Chị đầu tư mua thêm xe tải để thuận tiện vận chuyển hàng hóa. Buôn bán uy tín nên công việc kinh doanh suôn sẻ. Và chiếc ô tô con 4 chỗ nằm ngay ngắn trong gara là phần thưởng chị dành cho mình sau mấy chục năm không ngại khó, ngại khổ của bản thân.
Được tín nhiệm
Không chỉ biết cách vươn lên làm giàu cho bản thân, chị Bông còn truyền cảm hứng vươn lên cho người dân qua mỗi lần họp thôn hay sinh hoạt các phong trào.
Bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm giúp người phụ nữ Cơ Tu vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đó cũng là thời điểm chị được chị em tín nhiệm bầu chi hội trưởng phụ nữ tổ 2, xã Thượng Quảng từ năm 2013 và đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ từ năm 2017 đến nay.
Niềm hạnh phúc, kinh nghiệm nuôi dạy con cái, thu vén chăm lo gia đình hay chăn nuôi, trồng cao su... đều được nữ bí thư chi bộ tuổi 37 truyền đạt cho dân. Chị vận động người dân đổi công để xóa rừng tạp, vườn tạp.
Chỉ những vườn cam xanh tốt ngay cạnh nhà mình, rồi những rừng tràm xanh ngát theo tầm mắt, chị Bông kể, trước đây đó là những diện tích đất bỏ hoang, cây bụi mọc um tùm, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, người dân chụm lại lần lượt giúp nhau nên đất đã cho quả ngọt, rừng xanh.
Những cặp vợ chồng trẻ, quyết chí phát triển kinh tế, chị Bông sẵn sàng cho mượn vốn không lãi, hơn 100 triệu đồng chị “trang trải” cho nhiều người dân có vốn làm ăn từ nhiều năm nay, không lấy lãi cũng chưa lấy gốc.
Được “chủ nợ” bật đèn xanh, chị Hồ Thị Tô dành số tiền 20 triệu đồng chị mượn chị Bông cách đây 5 năm để trồng rừng, sửa lại nhà kiên cố.
Cùng với dày công vận động người dân bảo tồn những điệu múa, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, chị cũng là người đi đầu trong vận động người Cơ Tu xóa bỏ hủ tục.
Trước đây, mỗi lần thách cưới, nhà gái yêu cầu nhiều lễ vật đắt giá nên nhiều gia đình nợ nần sau cưới vợ cho con. Không “đao to, búa lớn”, hễ gia đình nào có con gái sắp tuổi lấy chồng, chị Bông thường đi lại “tỉ tê”. Mình thách cưới vậy, chỉ làm đẹp trong lễ cưới, nhưng sau đó con mình là người phải chịu khổ, phải nai lưng làm để trả nợ. Lời phân tích nhỏ nhẹ của nữ Bí thư chi bộ làm lay động người cha, người mẹ. Họ dần nhận ra thách cưới không còn là tục lệ đẹp trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới nên dần từ bỏ. "Năm 2017 tỷ lệ còn 50%, nhưng nay hầu như người dân không còn thách cưới như trước", chị Bông chia sẻ.
“Thôn 2 là thôn đứng đầu của xã trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Kinh tế phát triển, môi trường sạch đẹp, an ninh trật tự đảm bảo, nhất là tất cả những tuyến đường đã bê tông khang trang sạch đẹp… Kết quả này là nhờ công tác vận động của đảng viên chi bộ 2, mà công lao lớn nhất thuộc về nữ Bí thư chi bộ”, ông Hồ Văn Bông, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Quảng nhận xét.
Chị Nguyễn Thị Bông từng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng bằng khen phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực, được Hội Nông dân tỉnh tuyên dương gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều năm liền chị được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Đông tặng giấy khen có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và gần đây nhất chị là 1 trong 50 phụ nữ của tỉnh vinh dự tham gia giao lưu gặp mặt phụ nữ điển hình trên các lĩnh vực do UBND tỉnh tổ chức tháng 3/2021.
Bài, ảnh: Hải Thuận