Từ sự trợ lực của HNM huyện, chị Võ Thị Bê vượt qua nghịch cảnh, từng bước vươn lên trong cuộc sống
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng HNM huyện Phú Vang vẫn nỗ lực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ. Trong đó, với đặc thù thế mạnh trồng trọt, chăn nuôi, Huyện hội đã tận dụng nhiều nguồn lực, nhất là vốn vay ưu đãi để giúp hội viên phát triển sinh kế, vượt qua khó khăn và dần ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HNM huyện Phú Vang cho biết, cuối năm 2020, huyện hội đã quản lý vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm (thông qua kênh TW Hội) cho 16 hộ vay với tổng số tiền là 250 triệu đồng. “Thông qua các đợt vay vốn, người khiếm thị và gia đình có thêm động lực phát triển kinh tế. Họ tích cực tham gia sản xuất, chăn nuôi, vì có việc làm đồng nghĩa với có nguồn thu nhập. Không chỉ thoát nghèo, đó sẽ là nền tảng để hội viên khiếm thị hòa nhập cộng đồng”, đại diện HNM huyện cho biết thêm.
Nhờ vốn vay ưu đãi, ông Đào Chớ, một trong những hội viên khiếm thị đã mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên bằng cách trồng trọt, chăn nuôi. Ông chia sẻ: “Có vốn vay tôi tập trung vào phát triển đàn lợn và gà vì vừa dễ chăm sóc, thu hồi vốn lại nhanh. Đối với tình trạng mắt bị thương tật do đạn pháo như tôi, đây là lựa chọn ít rủi ro nhất”.
Cách đây hơn 50 năm, mảnh đạn pháo đã làm thị lực của ông Chớ mất dần. Càng lớn tuổi, tình trạng mắt lại càng trở nặng. Không chịu đầu hàng nghịch cảnh, ông Chớ tìm cách chăn nuôi trâu, lợn và thời gian gần đây là nuôi gà để phát triển sinh kế. Ông tâm sự: “Ngoài chăn nuôi thì tôi và gia đình vẫn trồng trọt lúa và hoa màu. Với tôi, khó khăn nhất là tìm được việc làm phù hợp để tạo ra thu nhập, nhưng giờ bài toán ấy đã có lời giải”.
Được sự hỗ trợ từ các cấp hội và những nỗ lực của bản thân, kinh tế của gia đình ông Chớ ngày càng ổn định. Từ tấm gương của ông, nhiều hội viên khiếm thị ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế hộ gia đình và tự tin hơn vào bản thân. Không chỉ góp ý với gia đình để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, họ trở thành nhân lực đảm đương công việc phù hợp trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, từ đó thoát nghèo, tăng thu nhập chính đáng.
Ngoài quản lý có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, cơ sở sản xuất của hội cũng đã tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho hội viên. Năm 2020, cơ sở xuất bán gần 50 nghìn gói tăm và hơn 1.000 sản phẩm chổi đót, doanh thu đạt hơn 480 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2021, trên 15 nghìn hộp tăm cũng đã được tiêu thụ, doanh thu đạt xấp xỉ 160 triệu đồng. Chị Võ Thị Bê, nhân công tại cơ sở sản xuất tăm tre, chổi đót tâm sự: “Vì khiếm thị bẩm sinh nên trước đây cuộc sống của tôi rất khó khăn. Từ khi trở thành hội viên, được đào tạo nghề làm chổi, làm tăm, tôi vượt nỗi tự ti, sống tốt hơn vì bản thân có thể làm việc để mang lại thu nhập”.
Chẳng riêng chị Bê, nhiều hội viên cũng đã xóa bỏ rào cản, tự tin cải thiện sinh kế, hòa nhập cộng đồng. Trợ lực cho các hội viên khiếm thị, riêng năm 2020 đã có hơn 4.200 suất quà từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ đến hội. Giúp cho người khiếm thị vơi đi mặc cảm, tự tin phát triển sinh kế, HNM huyện Phú Vang đã trở thành mái nhà ấm áp, nơi các hội viên khiếm thị cùng nhau sẻ chia và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
“Thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh ổn định, hội sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để tiếp tục nâng cao đời sống cho các hội viên”, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HNM huyện Phú Vang khẳng định.
Bài, ảnh: Mai Huế