Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ, cải cách thể chế, CCHC, trong đó TTHC là một khâu đột phá. Tỉnh ta sớm ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011- 2015, tập trung vào 7 nội dung chủ yếu: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hoá hành chính nhà nước; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCHC. Việc rà soát, ban hành bổ sung, sửa đổi và công khai bộ TTHC của các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân khi tiến hành làm các TTHC; rõ nhất là ở lĩnh vực đất đai, tài chính, thuế, hải quan... Chẳng hạn, cơ quan thuế Thừa Thiên Huế thực hiện quy trình quản lý chất lượng ISO 9001-2008, cải cách TTHC, góp phần cùng ngành thuế cả nước giảm số giờ làm thủ tục thuế đối với doanh nghiệp từ 537 giờ/đầu năm 2014 xuống còn 167 giờ và phấn đấu đạt 121,5 giờ trong năm 2015. Cục Hải quan tỉnh vận hành chương trình VNACCS về khai hải quan điện tử 24 giờ trên 7 ngày và ở mọi nơi vẫn đều khai được, áp dụng thông quan tự động giảm thời gian cho doanh nghiệp, hiện đại hóa thu nộp ngân sách qua cổng thanh toán điện tử của cơ quan hải quan với ngân hàng thương mại đã phối hợp thu...

Tại buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của lãnh đạo tỉnh với chủ đề “Chính sách thuế, hải quan và hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp” ngày 31/3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định, tháo gỡ khó khăn hiện nay cho doanh nghiệp chốt lại là cải cách thủ tục hành chính (nộp thuế, hải quan, tín dụng, đất đai, đăng ký kinh doanh…), xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi. Điều này cho thấy, CCHC có vai trò quan trọng, tác động lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, người dân nói chung.
Không những vậy, CCHC còn là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, đấu tranh với tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, trong phòng, chống tham nhũng thì vấn đề cơ chế, thể chế, thủ tục có ý nghĩa quan trọng. Ban hành thêm bao nhiêu thủ tục là có thêm bấy nhiêu “nguy cơ nhũng nhiễu, phong bì”; bớt được một thủ tục không cần thiết là giảm thêm một nguy cơ tham nhũng. Vì vậy, việc rà soát, đơn giản các TTHC là công việc cần được tiến hành thường xuyên, để kịp thời điều chỉnh những phát sinh của đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đi đôi với việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, việc công khai, minh bạch quy trình, các TTHC là cơ sở, điều kiện thuận lợi để người dân tham gia giám sát việc thực hiện CCHC ở các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ công chức, góp phần giảm nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu.