Theo dự báo của Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC), các doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ chi tổng cộng 32 tỷ USD cho trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2025, tăng từ mức 17,6 tỷ USD trong năm nay.
Trí tuệ nhân tạo hiện là lĩnh vực đang rất được quan tâm trên thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN
Cụ thể, ngành ngân hàng được dự báo sẽ thúc đẩy phần lớn chi tiêu cho trí tuệ nhân tạo, trong bối cảnh các ngân hàng trong khu vực này tăng cường tận dụng công nghệ vào các ứng dụng phân tích hành vi gian lận và thông tin tình báo về những mối đe dọa gia tăng.
Tiếp đó, các chính phủ và chính quyền địa phương sẽ có mức chi tiêu cao thứ hai, tập trung vào an toàn công cộng và ứng phó khẩn cấp, thông tin tình báo về những mối đe dọa gia tăng, cũng như các hệ thống phòng ngừa.
Ngoài ra, các công ty dịch vụ chuyên nghiệp cũng sẽ đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo trong vài năm tới. Trong đó, khu vực trọng tâm chính là các đại lý dịch vụ khách hàng, giúp giải quyết các vấn đề của khách hàng. Trong khi đó, đổi mới kinh doanh thông minh và tự động hóa sẽ tối ưu hóa và hợp lý hóa các nhiệm vụ kinh doanh phức tạp và lặp đi lặp lại, nhằm hỗ trợ việc ra quyết định của các tổ chức.
Trong một nhận định liên quan, bà Jessie Danqing Cai, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu về máy tính nhận thức - trí tuệ nhân tạo tại IDC khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: “Nhiều thay đổi do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ tiếp tục tồn tại, và chúng tôi dự báo động lực áp dụng của các trường hợp sử dụng trí tuệ nhân tạo thực tế, chẳng hạn như tương tác từ xa, hoặc tương tác không tiếp xúc sẽ được tiếp tục. Về lâu dài, sự hướng dẫn rõ ràng về việc quản lý các yếu tố rủi ro liên quan của những giải pháp trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy hơn nữa mức độ tin cậy của các tổ chức mua hàng”.
Thanh Ngân (Lược dịch từ The Edge Singapore)