Lạm phát được xem như “liều thuốc độc” cho nền kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa: Mole.my/TTXVN/Vietnam+

Đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ukraine, sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu, áp lực lạm phát liên quan làm tăng thêm sự không chắc chắn về thời gian và tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu được dự báo ở mức 2,8% vào năm 2022 và 3,1% trong năm 2023.

Dù một số khu vực và nền kinh tế có ghi nhận GDP tăng, đơn cử như châu Á và Mỹ dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu với GDP tăng lần lượt 4,1% và 2,7% vào năm 2022. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục chứng kiến GDP mở rộng, mặc dù mức tăng trưởng sẽ ở mức tương ứng 4,5% và 7,4% vào năm 2022..., song những thách thức về chính sách vẫn còn rất nhiều, nhất là khi các ngân hàng trung ương tiến hành rút lại các biện pháp kích thích và thắt chặt lãi suất.

Theo nhà kinh tế Shahana Mukherjee: “Với hầu hết lạm phát hiện nay là do nhập khẩu hoặc do nguồn cung, hiệu quả của chính sách tiền tệ như một công cụ để kiềm chế áp lực giá cả sẽ bị hạn chế”.

Trước tình hình này, người tiêu dùng không chỉ phải đối mặt với sức mua thực tế yếu hơn, mà lãi suất vay cũng cao hơn và các điều kiện tài chính thắt chặt có thể đè nặng hơn, làm tổn hại đến niềm tin kinh doanh và trì hoãn các quyết định đầu tư.

Trên bình diện của các thị trường mới nổi, các nền kinh tế này có nguy cơ bị tổn hại trong trường hợp chi tiêu và triển vọng việc làm bị sụt giảm nghiêm trọng khi các điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Áp lực khấu hao từ việc thu hẹp chênh lệch lãi suất cũng có thể làm trầm trọng thêm thâm hụt tài khoản vãng lai và gia tăng lãi suất nhập khẩu.

Lạm phát là “liều thuốc độc” đối với nền kinh tế

Tình hình lạm phát và tác động của nó còn được thể hiện rõ trong quan điểm và nghiên cứu của Ngân hàng Deusche Bank, khi Giám đốc điều hành ngân hàng Christian Sewing cho biết, châu Âu và Mỹ đối mặt với khả năng suy thoái cao, do các ngân hàng trung ương buộc phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Cụ thể, lạm phát giá tiêu dùng ở khu vực đồng Euro đạt mức cao kỷ lục 8,1% trong tháng 5 và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã xác nhận ý định bắt đầu tăng lãi suất.

Trong một thông tin có liên quan, cùng với lạm phát bắt nguồn từ xung đột Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng cũng bị cản trở bởi nhu cầu hồi sinh hậu tác động của đại dịch và sự trở lại của các biện pháp chống dịch COVID-19, đáng chú ý nhất là ở Trung Quốc.

Đây là một tình huống đầy thách thức mà chúng ta có 3 đến 4 động lực có thể tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Thêm vào đó, tất cả những yếu tố này lại kết hợp với nhau trong cùng một thời điểm, có nghĩa là có rất nhiều áp lực đối với nền kinh tế. Do đó, khả năng suy thoái xảy ra ở châu Âu và Mỹ là khá cao.

Đối với các chuyên gia, đơn cử như Giám đốc Christian Sewing, lạm phát là mối quan tâm lớn nhất. Do đó, mọi quốc gia cần nỗ lực hành động chống lạm phát, bởi lạm phát là “liều thuốc độc” nhất đối với nền kinh tế.

Hướng đi nào tốt?

Để giải quyết nhiều khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, điều quan trọng là phải phá vỡ sự kìm hãm của đại dịch. Ở cấp độ quốc gia, các chính sách cần được duy trì ở mức độ phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước, bao gồm mức độ phục hồi, giải quyết áp lực lạm phát tiềm ẩn... Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần phải hoạt động song song để đạt được các mục tiêu về kinh tế. Với mức độ không chắc chắn và ổn định cao của tình hình trong nước cũng như quốc tế, các chính sách đặt ra cũng cần đạt được sự linh hoạt và thích ứng với các dữ liệu kinh tế mới.

Trong trường hợp chính sách tiền tệ thắt chặt, các nền kinh tế sẽ cần phải thích ứng với môi trường toàn cầu về lãi suất cao hơn. Sự linh hoạt trong tỷ giá hối đoái có thể giúp điều chỉnh kinh tế vĩ mô nếu cần thiết...

Nhìn chung, hai năm qua đã tái khẳng định rằng tác động của cuộc khủng hoảng và tiến trình phục hồi của các nước là không giống nhau. Do đó, các nhà hoạch định chính sách phải thận trọng khi theo dõi dữ liệu kinh tế, chuẩn bị tốt cho các trường hợp bất thường xảy ra và sẵn sàng thông báo, thay đổi linh hoạt chính sách trong thời gian ngắn để đảm bảo phù hợp với tình hình. Song song đó, hợp tác quốc tế mạnh mẽ và hiệu quả cần được thực hiện và đảm bảo đây là năm thế giới thoát khỏi sự kìm kẹp của đại dịch, cũng như giải quyết ổn thỏa các vấn đề nổi lên.

HẠNH NHI

(Tổng hợp và lược dịch từ The Business Times, CNBC & IMFBlog)