Kích tổng cầu , khơi thông điểm nghẽn đầu ra cho doanh nghiệp
Theo đánh giá tổng quan kinh tế 6 tháng đầu năm của trường Đại học Kinh tế quốc dân, tăng trưởng GDP chỉ 3,72%, có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước); gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 7,4%); 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,9%); 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 2,8%). “Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại. Bên cạnh đó, tình trạng hàng tồn kho cũng tăng lên đáng kể là dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt tổng cầu”- PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.
Tọa đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” diễn ra ngày 11/7/2023
6 tháng đầu năm, nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Chỉ tính riêng ngành dệt may, như Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) Nguyễn Tiến Trường cho biết, thống kê năm 2022, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 760 tỷ USD, sụt giảm so với mức 805 tỷ USD của năm 2021. Đến năm 2023, dự báo khả quan, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 710 tỷ USD, thấp hơn cả năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19.
Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới (WB), sự thiếu hụt tổng cầu (bao gồm các cấu phần tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của Chính phủ, xuất khẩu ròng) nếu kéo dài sẽ hạn chế tổng cung làm cho tăng trưởng kinh tế thấp. Tổng cầu tăng sẽ kích tổng cung, các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng thì sản xuất sẽ được kích hoạt, kinh tế mới có thể phục hồi và tăng trưởng. “Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới” - đại diện WB khuyến nghị.
Theo đó, thời điểm hiện tại, thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế. Về đầu tư, WB nhận định, thúc đẩy đầu tư là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay và những năm tiếp theo. Các dự án đầu tư công không chỉ có thể tạo thêm nhiều việc làm, bù đắp cho sự sụt giảm ở khu vực tư nhân và nước ngoài, mà với mức độ lan tỏa cao cũng sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp “ăn theo” các dự án này và phục hồi dần hoạt động kinh doanh của mình, từ đó cũng thúc đẩy cầu tiêu dùng tăng trở lại.
4 giải pháp để phục hồi và tăng trưởng
Thực tế cho thấy, để thúc đẩy tổng cầu, Chính phủ đã sử dụng đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Từ ngày 4/7, việc kích tổng cầu được thực hiện thông qua giảm thuế VAT 2%. Bên cạnh chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, chính sách giảm 36 loại phí, lệ phí từ 10 – 50% cũng đã chính thức được áp dụng từ 1/7. Doanh nghiệp có cơ hội để giảm chí phí, tăng đầu tư mới, chặn đà giảm thành lập mới doanh nghiệp. Lãi suất huy động cũng được Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh để thúc đẩy dòng tiền từ ngân hàng đưa vào sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên vốn vay bình quân của doanh nghiệp vào khoảng 9,3%. 6 tháng 2023, tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua cho thấy khả năng hấp thụ vốn còn rất yếu.
Trong khi đó, việc thực thi Chương trình phục hồi kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất. Giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 trong tháng 6 bứt tốc, kéo tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân ở nhiều cơ quan Trung ương rất thấp... Thủ tướng Chính phủ gần đây đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, với quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước; khẩn trương ban hành Nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thế nên, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng thế giới cho rằng, Việt Nam cần thực hiện ngay 4 giải pháp để khắc phục khó khăn và hỗ trợ tăng trưởng, đó là: Chính sách tài khóa; Chính sách tiền tệ; Cải cách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn; Củng cố niềm tin vào cải cách.
Đối với chính sách tài khóa, Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách tài khóa, nhưng quá trình thực thi gặp nhiều thách thức. Do đó, cần tăng đầu tư công theo kế hoạch, bao gồm gói hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 (1,8% GDP). Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện quy trình thủ tục đầu tư và việc xác định mục tiêu và chất lượng thực hiện cũng là vấn đề Việt Nam cần tính toán, bởi chiến lược phát triển không gian quốc gia đã được Chính phủ thông qua để ưu tiên những hoạt động đầu tư quan trọng, xương sống vào các vùng quan trọng, khu vực tăng trưởng. Cùng với đó, Chính phủ cần hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi cú sốc liên quan đến suy giảm kinh tế toàn cầu.
Về chính sách tiền tệ, hiệu lực những chính sách còn hạn chế, dư địa của chính sách tiền tệ bị hạn chế và khả năng truyền dẫn yếu, nhu cầu tín dụng yếu dẫn tới đầu tư thấp, bất ổn cao. Các biện pháp từ phía cung, chẳng hạn như tiếp tục nới lỏng và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, có thể sẽ kém hiệu quả hơn và rủi ro hơn vì lãi suất toàn cầu có khả năng duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới có thể tăng lên, gây áp lực lên tỷ giá. Thêm vào đó, Việt Nam cần nhanh chóng cải cách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn. Những biện pháp ứng phó khủng hoảng hiện nay của Việt Nam đã đáp ứng các điều kiện nhưng có thể làm được nhiều hơn nữa.
Việt Nam tháo gỡ khó khăn trên thị trường tín dụng, kích thích tăng trưởng bằng 4 đợt giảm lãi suất kể từ tháng 3/2023, đồng thời nới lỏng các hạn chế về thanh khoản, thực hiện các biện pháp giãn nợ và tái cơ cấu… nhưng tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi tăng (trên 100%), gia tăng mối quan ngại về chênh lệch kỳ hạn và chất lượng bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Do đó, Việt Nam cần cải cách cơ cấu trong trung hạn như: Củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng; tăng cường các khuôn khổ thể chế để giám sát cẩn trọng, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng và quản lý khủng hoảng; tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém. “Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức tín dụng và Luật ngân hàng Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các hạn chế mang tính cơ cấu”, bà Dorsati Madani gợi ý. Ngoài ra, cần tăng đầu tư vào vốn con người/kỹ năng; nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý đầu tư công; nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu toàn cầu; xanh hóa sản xuất thông qua thuế carbon và các công cụ tài khóa khác; xanh hóa tiêu dùng thông qua các ưu đãi tài chính…
Cuối cùng, Việt Nam cần củng cố niềm tin vào công cuộc cải cách này thông qua cải cách cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh: Cải thiện môi trường kinh doanh, khởi động lại chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy tài chính toàn diện, tạo điều kiện tiếp thu kỹ năng theo nhu cầu của thị trường, nâng cao khả năng thích ứng trung hạn của hàng xuất khẩu. Mặt khác, cải cách cơ cấu coi ngành dịch vụ là động lực tăng trưởng. Vì khu vực dịch vụ đóng góp trung bình hơn 50% vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2010- 2019.