Người dân chờ giải quyết hồ sơ, thủ tục tại bộ phận một cửa tại Trung tâm Hành chính TP Huế. Ảnh: T.Huệ

Quá trình tham gia công tác CCHC và triển khai áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2008 (gọi tắt là ISO 9000) tại các cơn quan hành chính, chính quyền địa phương các cấp cho thấy, một trong những thách thức to lớn mà chính quyền các cấp đang phải đối mặt là xây dựng và duy trì lòng tin của người dân với chính quyền và các cơ quan trong bộ máy chính quyền.

Người dân mong đợi để có một cộng đồng, nơi được cung cấp tất cả các sản phẩm/dịch vụ công cộng với chất lượng tốt, chẳng hạn như an toàn và an ninh; thông tin minh bạch và công khai; hệ thống y tế và giáo dục chất lượng; cơ sở hạ tầng, đường giao thông trong tình trạng tốt, thuận tiện… Chính quyền địa phương có hệ thống quản lý chất lượng tốt sẽ góp phần dẫn đến sự thịnh vượng, kinh tế bền vững và sự phát triển xã hội ở cấp độ địa phương, bao gồm cả việc triển triển khai và tương tác với các chính sách quốc gia và khu vực một cách chặt chẽ và thích hợp.
Việc chính quyền địa phương các cấp hoạt động hiệu quả (được đánh giá qua các chỉ số PAR Index, PAP Index, PCI…) trên cơ sở quản lý tốt chất lượng sản phẩm/dịch vụ công cộng cho phép toàn bộ hệ thống của Chính phủ trở nên vững mạnh hơn, qua đó tăng sự tin tưởng của người dân vào chính quyền.
Bất kỳ hệ thống quản lý chất lượng nào cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các chính sách, các mục tiêu khác nhau, phương pháp làm việc khác nhau, nguồn lực sẵn có và các TTHC được ban hành cụ thể cho từng địa phương. Vì vậy, có thể dự kiến ​​rằng, các chi tiết của từng hệ thống quản lý chất lượng sẽ khác nhau ở mỗi địa phương. Phương pháp chi tiết về việc thực hiện của hệ thống quản lý chất lượng không phải là điều quan trọng, quan trọng là hệ thống quản lý chất lượng mang lại những kết quả có hiệu quả, phù hợp và đáng tin cậy. Hệ thống quản lý chất lượng càng đơn giản càng tốt để hoạt động một cách phù hợp, và nó cần phải được hiểu đầy đủ để đáp ứng các chính sách và mục tiêu chất lượng của mỗi chính quyền địa phương.
Trong việc xác định các quy trình hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000, chính quyền địa phương phải xem xét các quy trình cần thiết để cung cấp sản phẩm/dịch vụ đáng tin cậy cho người dân. Các quá trình liên quan đó bao gồm các quy trình quản lý, các quá trình cung cấp sản phẩm/dịch vụ và các quá trình khác cần thiết cho sự vận hành hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng. Trong đó, các quá trình cần thiết để cung cấp các sản phẩm/dịch vụ của chính quyền địa phương là cốt lõi của quá trình hoạt động.
Nếu chính quyền địa phương thấu hiểu, đáp ứng và thực hiện tốt theo yêu cầu của ISO 9000 thì có thể đánh giá là hệ thống quản lý chất lượng của chính quyền địa phương đó đáng tin cậy và hiệu quả.
Trong nhiều năm qua, để đạt được mục tiêu là một chính quyền đáng tin cậy, minh bạch và đáp ứng các mong đợi của người dân, chính phủ của nhiều nước (trong đó có Việt Nam) đã khuyến khích hoặc bắt buộc chính quyền các cấp xây dựng, áp dụng ISO 9000. Điều này rất cần thiết đối với chính quyền địa phương các cấp, nơi mà tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cho người dân là rất quan trọng để đạt được sự tin tưởng của họ. Để có thể đạt được những mong đợi nêu trên, chính quyền địa phương các cấp cần phải được định hướng và kiểm soát một cách hệ thống và minh bạch qua việc thực hiện một hệ thống quản lý chất lượng toàn vẹn để giải quyết các nhu cầu và mong đợi của tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, áp dụng ISO 9000 không phải là công cụ duy nhất và sự phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9000 không phải là mục tiêu cuối cùng, mà đích cần nhắm tới của chính quyền địa phương các cấp là cung cấp những sản phẩm/dịch vụ phù hợp, chất lượng, đáp ứng mong đợi của người dân và cộng đồng địa phương.