Không phải đại gia, chân dài, với mô típ tình - tiền - tù - tội hay các công tử nhà giàu lầm lỡ đang phổ biến trên phim ảnh Việt. Lần này, cái chạm đến khán giả của phim lại là những giá trị truyền thống thuần Việt (trang phục, bối cảnh, cốt chuyện…). Thế mà lại cuốn hút, lay động đến nỗi, giới chuyên môn đánh giá, phim của Victor Vũ khiến cho giới làm phim phải xem lại sự lựa chọn hướng đi của mình.

Riêng hình ảnh khán giả chen chân để xem một bộ phim thuần Việt cũng làm không ít người mừng. Xem ra, thị hiếu của công chúng Việt, của giới trẻ ngày nay về nghệ thuật, về văn hóa giải trí chưa hẳn “quá tệ”. Trong thế giới phẳng, với rất nhiều những bộ phim, những cuốn sách, những thông tin lá cải, giật gân, câu khách gần như tràn lan, vẫn còn không ít bạn trẻ háo hức đội mưa, đi hàng trăm cây số để được sở hữu một cuốn sách mới của Nguyễn Nhật Ánh. Hay với hiện trượng phim của Victor Vũ, xem ra khán giả điện ảnh vẫn khao khát mạnh mẽ được chạm đến những bộ phim đúng nghĩa với chức năng của một bộ môn nghệ thuật mà bản chất của nó là hướng đến “chân-thiện-mỹ”. Thế nhưng, cứ một năm qua đi, công chúng có được bao nhiêu phim hay để chọn lựa?

Một điều nữa là cái chất thuần Việt làm rung động người xem trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” lại được tái hiện bởi một Việt kiều như Victor Vũ. Hình như khi người ta đi xa, có một khoảng cách đủ lớn mới nhận ra một cách đầy đủ, trọn vẹn giá trị bản sắc của quê hương, bản quán. Và giá trị văn hóa Việt, nó đẹp và quý đến nỗi, nói như T.S Thái Kim Lan - một Việt kiều Đức-là người Việt cứ tự tin vịn vào văn hóa của mình mà đi, Không phải vay mượn...