Giảng viên hướng dẫn phương pháp lấy bản rập chi tiết các hoa văn trên bia đá tại Võ thánh - Huế. Ảnh Phan Lê Chung

Giáo dục gắn với gìn giữ di sản

Là một đơn vị trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, Trường đại học Nghệ thuật có 4 khoa và 1 bộ môn trực thuộc với 7 chuyên ngành đào tạo. Với đội ngũ giảng viên đã được chuẩn hóa về trình độ và chuyên môn nghiệp vụ, trường đã khẳng định được vai trò trong bình diện chung về lĩnh vực đào tạo nghệ thuật kể từ những ngày đầu thành lập năm 1957. Giáo dục chuyên môn, bồi dưỡng văn hóa luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của nhà trường nhằm không ngừng cập nhật những chương trình phù hợp với nhu cầu phát triển chung của xã hội, chú trọng lồng ghép các chương trình giáo dục về di sản văn hóa dân tộc cho sinh viên, được cụ thể bằng hai học phần: “Nghiên cứu mỹ thuật cổ” và “Ghi chép vốn cổ”.

Ngoài việc được trang bị một hệ thống lý thuyết cơ bản về mỹ thuật cổ, sinh viên còn có cơ hội được tiếp cận thực tế tại các di tích ở Huế dưới sự dẫn dắt và hướng dẫn của giảng viên. Những địa điểm di tích tại Huế cũng không xa so với khoảng cách của nhà trường nên rất tiện lợi cho việc di chuyển của sinh viên trong vấn đề học tập. Đi kèm với các cơ sở lý thuyết là những bài tập thực hành ghi chép, ký họa về các chi tiết hình mảng, motip trang trí hoa lá, các bộ đề tài như bát bửu, tứ thời... trên các chất liệu khác nhau như: gỗ, đồng, đá, khảm sành sứ, nề họa. Ngoài ra, sinh viên sẽ được khám phá cách thức bố trí hệ thống cung điện, cách đặt để bố cục tượng tại các lăng tẩm của các vua Nguyễn, hay nghiên cứu về các hoa văn trên trang phục của cung đình. Theo khảo sát của chúng tôi, những học phần này cuốn hút sinh viên rất nhiều không chỉ bởi sự đa tầng ý nghĩa của môn học mà còn là tính trực tiếp khi được chạm tay, được quan sát cụ thể các chi tiết của những hoa văn đó là thật chứ không phải là những hình ảnh minh họa trên giấy hay trên những giáo trình điện tử mà các em đã được xem.

Những môn học như vậy không chỉ giúp ích cho sinh viên nâng cao tầm kiến thức, kỹ năng thực hành mà còn khơi gợi cho các em những đề tài vô cùng bổ ích và lý thú. Nếu ai đã từng nói rằng, Huế không còn đề tài gì mới lạ để khai phá thì đó là một quan điểm hết sức sai lầm, bởi trong quá trình giảng dạy đào tạo vừa qua, chúng tôi nhận thấy Huế vẫn luôn là một “mảnh đất màu mỡ” cho việc khai thác các đề tài sáng tác, trong đó mỹ thuật triều Nguyễn là một đề tài hấp dẫn và lý thú. Rất nhiều bài học của sinh viên các chuyên ngành thực hiện đã chọn thời Nguyễn là đề tài khai thác. Đó là gam màu trầm ấm, về các cung điện trong Đại nội trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa của sinh viên khoa Hội họa hay là những motip trang trí trong các poster, thiết kế nội thất, thiết kế trang phục của sinh viên Khoa Mỹ thuật Ứng dụng... Sự vận dụng và biến tấu linh hoạt những hoa văn trang trí triều Nguyễn trong các bài học của sinh viên đã toát lên được bản sắc riêng của sinh viên nghệ thuật Huế, đồng thời qua đó chúng ta cũng thấy được niềm tự hào dân tộc cũng như sự kế thừa các giá trị truyền thống đối với thanh niên trong thời cuộc hội nhập giao lưu với những nền văn hóa khác trên thế giới.

Gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học từ những năm đầu của thập niên 80, TS Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế cũng là một trong những nhà nghiên cứu có tâm huyết với các đề tài về triều Nguyễn, luận án tiến sĩ của ông là nghiên cứu về khảm sành sứ triều Nguyễn. Đánh giá về quan điểm của mình, ông cho rằng: “Đào tạo nghệ thuật ở mỗi quốc gia cần phải gắn kết với những giá trị nghệ thuật của dân tộc, vì vậy chúng tôi coi trọng việc nghiên cứu vận dụng các giá trị di sản văn hóa mỹ thuật Huế trong đào tạo tại nhà trường, góp phần giúp người học hiểu hơn về những truyền thống mỹ thuật dân tộc và phát huy trong sáng tạo, bảo tồn các giá trị đó trong cuộc sống.

Bên cạnh những sáng tác chuyên môn thì mảng nghiên cứu khoa học cũng luôn được nhà trường chú trọng đầu tư, trong thời gian vừa qua nhà trường đã nghiệm thu rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học các cấp đối với giảng viên và sinh viên. Việc được hỗ trợ trang bị kiến thức nền tảng này rất tốt trong công tác nghiên cứu phục chế cũng như thành lập chuyên khoa phục chế tại nhà trường trong tương lai. Đây là một ngành học hứa hẹn nhiều tương lai bởi hiện nay cán bộ phục chế trong các di tích vẫn chỉ là một con số khiêm tốn và trong công tác bảo vệ các công trình di sản rất cần một đội ngũ số lượng lớn để đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Với những thành phố có bề dày di sản văn hóa như thành phố Huế thì việc tổ chức tốt các hoạt động giáo dục di sản là một điều hết sức quan trọng, đặc biệt đối với một cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật đặc thù như Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế thì đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng yếu góp phần vào việc giáo dục thế hệ trẻ tình yêu di sản văn hóa truyền thống của đất nước.