Hai bạn trẻ chụp ảnh ở đồng hoa cải ở Kim Long

Chuyện cũ còn mới

4 giờ 30 chiều tại cánh đồng hoa cải ở khu vực 1, phường Kim Long (TP Huế). Đây là thời điểm bắt đầu tan sở, tan trường của nhiều người lao động và học sinh, sinh viên. Tuy mới đầu mùa hoa cải, nhưng do thông tin chia sẻ trên mạng xã hội nên lượng người đến đây mỗi chiều khá nhiều. Ngồi quan sát các bạn trẻ chụp ảnh, nhất là đối tượng sinh viên, học sinh “tranh thủ” làm các kiểu tạo dáng qua điện thoại, nhiều trường hợp vô ý đạp vào những luống cải của người dân khiến một số người làm đồng ở đó phản ứng.

Trò chuyện với ông Trần Hữu Bốn (78 tuổi) mới hay đây là nỗi lo của nhiều nông dân. Ông Bốn cho biết, tháng 10 âm lịch hằng năm là lúc nông dân ở Kim Long trồng các loại cải bẹ trắng và cải bẹ xanh. Sau khi thu hoạch cải, họ giữ lại hoa để tạo giống cho vụ sau. Nếu thuận lợi, mỗi luống cải cho hơn 10 lon hạt giống, giúp tiết kiệm chi phí cho người nông dân.

Ông Mây hy vọng, năm nay sẽ không còn chuyện giẫm đạp đồng hoa cải

Nông dân trồng cải theo luống, cách mỗi luống đều có đường đi để khi chăm sóc khỏi giẫm đạp lên cây và hoa. Khi lượng người đến đây chụp ảnh đông, nhất là những vùng hoa đẹp, một số trường hợp thiếu ý thức “sẵn sàng” nhảy vào giữa đồng hoa, bất chấp lời nhắc nhở của những người làm đồng. Ông Trần Văn Mây (55 tuổi) khá bức xúc khi nhắc lại chuyện cũ: “Năm ngoái, họ lên chụp ảnh phá nát cả vườn. Tui trồng 1,5 sào mà thu hoạch hạt giống chẳng bao nhiêu. Đứng giữa hoa chụp ảnh đã đành, nhiều người còn tự ý bẻ hoa cầm để tạo dáng. Thiệu là... nói không nổi”.

Lần thứ hai trở lại vườn hoa cải Kim Long, chúng tôi bắt gặp cảnh một phụ nữ lớn tiếng với người chụp ảnh. Tuy mức độ hư hỏng ở luống cải của chị chưa nhiều, nhưng sự lo lắng cộng hưởng nỗi tức giận thiệt hại của các năm trước khiến chị khá khó chịu. Đặt vấn đề với cô gái vừa bị “nhắc nhở”, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Đi ngang đây thấy hoa đẹp nên em vô chụp ảnh. Ai ngờ…!”. Câu trả lời này bỏ ngỏ khiến cả những người nông dân nghe đến cũng bật cười. Một người đứng cạnh chúng tôi nói: “Chẳng lẽ tuổi sinh viên mà phải đợi họ nhắc nhở mới biết?”.

Để bức ảnh thêm đẹp

Những người nông dân ở Kim Long cho biết, khoảng giữa tháng 12 âm lịch và gần dịp Tết là thời điểm hoa cải nở rộ, cũng là lúc lượng người chụp ảnh cưới, chụp ảnh theo phong trào đến rất đông. “Bây giờ họ thường lên buổi chiều chứ gần Tết, họ lên đây cả ngày, chụp đông lắm”, một người dân kể.

Khách lên chụp ảnh đông, mỗi người chọn cho mình một góc chụp là nguyên nhân khiến người dân khó giữ vườn. Ông Mây tâm sự, thực ra nhu cầu của giới trẻ không đáng trách. Nông dân Kim Long không cấm chụp ảnh nhưng phải có ý thức bảo vệ đồng hoa cho bà con vì đó là nguồn giống phục vụ trồng trọt cho mùa sau. Thực tế qua các năm, dù nhắc nhở nhưng vẫn xảy ra chuyện “đạp vườn, ngắt hoa” nên nông dân nơi đây dần hết thiện cảm với trào lưu chụp ảnh của các bạn trẻ. “Tụi tui ra nói nhẹ nhàng, họ không nghe. Cấm thì các em đợi lúc vắng người lại nhảy vô hoa cải giẫm đạp..., ông Mây lo lắng.

Ông Trần Hữu Trí, Chủ nhiệm Hợp tác xã Kim Long cho biết: “Diện tích trồng cải ở khu vực 1, phường Kim Long khoảng 5.000 m2 của 70 hộ. Việc người chụp ảnh lên phá hoa là vấn đề rất khó giải quyết. Năm ngoái, chúng tôi đã in bảng cấm đóng ở quanh cánh đồng nhưng cũng không thành công. Năm mô nông dân cũng phản ánh vấn đề ni nhưng hợp tác xã và hội nông dân không đủ khả năng thuê người xuống đó giữ. Năm ni, hy vọng ý thức người chụp ảnh sẽ thay đổi”.

Trao đổi với bạn Nguyễn Thanh Vũ, một người thợ chụp ảnh ngoại cảnh hằng năm dẫn khách đến đây, được biết, người trồng cải nơi đây khá thân thiện, chỉ cần biết cách chụp, đi theo hàng lối không phá hoa thì họ sẵn sàng đồng ý. Tuy nhiên, do ý thức một số người hạn chế, thậm chí bắt chước nhau “lao” vào giữa đồng hoa nên người trồng hoa “ghét” chung “dân chụp ảnh”.

Nhiều nông dân trải lòng, cứ đầu mùa hoa cải thấy người chụp ảnh lên là lòng họ lại nôn nao. Sẽ khó cấm nhưng mong rằng, ý thức của những người đam mê cái đẹp sẽ giữ gìn cho cái đẹp chung. Đừng để “ảnh mới, chuyện cũ”.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc