Công tác giám sát dịch HIV/AIDS được tăng cường thông qua triển khai giám sát phát hiện, giám sát trọng điểmvà lồng ghép giám sát hành vi trong giám sát trọng điểm. Hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện được củng cố và phát triển, ngày càng thu hút nhiều đối tượng, qua đó, phát hiện nhiều người nhiễm để quản lý. Ngoài 5 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện đã đi vào hoạt động (TTPC HIV/AIDS, Khoa Da Liễu TTBXH, Trung tâm Chăm sóc sinh sản, TTYT thành phố Huế, TTYT thị xã Hương Thuỷ), tiếp tục triển khai hoạt động phòng xét nghiệm tư vấn tự nguyện tại 4 huyện: Hương trà, Phong Điền, Phú Vang, A Lưới nâng tổng số phòng tư vấn của toàn tỉnh lên đến 9 phòng.

 
Chương trình can thiệp giảm tác hại ngày càng phát triển, ngoài việc tập trung chủ yếu 4 đơn vị (Huế, Hương Thuỷ, Phú Vang và Phú Lộc), chương trình bao cao su cũng được mở rộng ở 5 huyện còn lại. Nội dung can thiệp nhằm nâng cao sự hiểu biết về dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm phụ nữ bán dâm và nhóm nghiện chích ma tuý. Hàng tháng tiếp cận và phân phát bơm kim tiêm cho khoảng 221 - 245 đối tượng nghiện chích ma tuý, đã phát 56.930 bơm kim tiêm (số liệu 9 tháng/2011), thu gom bơm kim bẩn đạt 42%. Đối với nhóm phụ nữ bán dâm hàng tháng tiếp cận khoảng 850 - 900 chị, số bao cao su đã phát 121.135 (số liệu 9 tháng/2011).
 
Chương trình chăm sóc, hỗ trợ và tiếp cận thuốc kháng virus cho người nhiễm được chú trọng, mạng lưới chăm sóc người nhiễm được củng cố và phát triển, mô hình chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS kết hợp giữa y tế và các tổ chức từ thiện, tôn giáo và huy động sự tham gia của người nhiễm được tăng cường. 100% bệnh nhân AIDS đủ tiêu chuẩn được điều trị bằng thuốc kháng virus, hiện tại đang điều trị thuốc kháng virus miễn phí cho 130 bệnh nhân AIDS, một số người nhiễm đã tự công khai và tự nguyện tham gia vào các hoạt động cộng đồng.
 
Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã cung cấp cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV gói “Dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện”, bao gồm: tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai và phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV, chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV, cấp sữa thay thế sữa mẹ, giới thiệu và chuyển tiếp những phụ nữ và trẻ em tới các dịch vụ phù hợp để dự phòng, chăm sóc, điều trị liên quan đến HIV/AIDS. Cơ sở y tế các tuyến thực hiện truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con dưới nhiều hình thức như truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát thanh, loa truyền thanh), tuyên truyền lồng ghép tại cụm dân cư, lúc khám thai, phát băng truyền thông tư vấn nhóm cho thai phụ về ích lợi của xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai, việc đảm bảo bí mật của kết quả xét nghiệm, hướng dẫn cách nuôi dưỡng trẻ... giới thiệu các địa chỉ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và can thiệp thuốc dự phòng lây truyền cho cả mẹ và con.
 
Bên cạnh sự triển khai đồng bộ và hiệu quả các dự án của chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ngoài ngân sách của chương trình, tỉnh ta được tiếp tục hỗ trợ của dự án phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng thế giới tài trợ, dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, dự án NAV, rõ ràng rằng nguồn lực được tăng cường tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, các hoạt động được triển khai đồng bộ, qui mô và địa bàn được mở rộng, chất lượng và hiệu quả được nâng cao, góp phần khống chế sự lây lan HIV và giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
 
Ths. Trần Thị Ngọc

(Giám đốc TTPC HIV/AIDS)