Khi ông Barack Obama rời Nhà Trắng, chính thức kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của mình, ông có quyền tự hào về những gì mà mình đã làm được trong lĩnh vực đối ngoại.

Ông Obama đã tiếp quản nước Mỹ từ tay vị Tổng thống cứng rắn thuộc đảng Cộng hòa George W. Bush với nhiều di sản nặng nề: Kinh tế khủng hoảng trầm trọng, đất nước sa lầy trong hai cuộc chiến tranh tốn kém ở Iraq và Afghanistan, đồng thời gặp phải thái độ thiếu thiện cảm từ nhiều nước do chính sách can thiệp của Mỹ.

nhung diem sang trong di san doi ngoai cua tong thong my obama hinh 0
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: nydailynews.
Một thời gian dài trước khi lần đầu trở thành Tổng thống, ông Obama đã thể hiện thái độ phản đối chính sách thiên về chiến tranh của ông Bush. Đến khi tranh cử và trở thành Tổng thống Mỹ, ông Obama càng thể hiện rõ quan điểm và nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng của mình, đó là đưa Mỹ ra khỏi 2 cuộc chiến tranh nói trên và tránh cho đất nước này rơi vào một cuộc chiến nữa.

Trên thực tế, khi sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 của mình, ông Obama về cơ bản đã thực hiện được các cam kết của mình, góp phần củng cố thực lực của Mỹ, nâng cao vị thế của Mỹ, và lấy lại hình ảnh của cường quốc này trong cộng đồng thế giới.

Không chỉ đưa cơ bản quân đội Mỹ ra khỏi Iraq và Afghanistan, Tổng thống Obama còn để lại “dấu ấn” bằng hàng loạt thành công của ngoại giao Mỹ như việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran và bình thường hóa quan hệ tới Cuba. Ngoài công lớn trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Cuba, ông Obama còn ghi thêm điểm bằng chuyến thăm lịch sử tới Cuba, khép lại cả một thời kỳ căng thẳng kéo dài với quốc gia XHCN này. Thay vì chiến tranh, vị lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ chú trọng đến phát triển kinh tế, sốt sắng với dự án Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Những cột mốc này đã làm tăng thêm sức nặng cho giải thưởng Nobel về hòa bình được trao cho Tổng thống Obama trước đó.

Khả năng tiết chế cao

Dưới thời Obama, Mỹ đã thực hiện sự kiềm chế cao độ ở cả chiến trường Iraq và Afghanistan để bớt đổ máu cho binh sĩ Mỹ và làm giảm sức ép của công luận quốc tế. Ông Obama đã đặc biệt coi trọng sử dụng phi cơ không người lái để vừa tiêu diệt được các mục tiêu khủng bố ở đây, vừa tránh gây thương vong cho quân đội Mỹ.

Một trong những thách thức đối ngoại lớn của ông Obama là khủng hoảng Syria vào tháng 8-9/2013. Khi đó có những cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân. Trước sức ép của phái chủ chiến (trong và ngoài nước), ông Obama đã đặt ra “lằn ranh đỏ” cho Tổng thống Syria Assad. Nhưng khi cơ hội tháo ngòi nổ đến (Tổng thống Nga Putin đề nghị tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria và chính quyền Assad đã nhất trí với điều này), ông Obama đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội đó để tránh cho nước Mỹ một cuộc chiến không cần thiết.

Trong vấn đề Libya năm 2011, mặc dù Mỹ ủng hộ thiết lập vùng cấm bay và việc can thiệp quân sự để lật đổ lãnh đạo Gaddafi, về cơ bản ông Obama đã không để Mỹ dấn thân quá sâu vào nước này. Thay vì giữ vai trò tiên phong như trước đây, Mỹ đã lùi lại và để cho nhiều đồng minh cùng tham gia và gánh vác trách nhiệm.

Mới đây (tháng 4/2016) mặc dù Tổng thống Obama nói cứng rằng quyết định can thiệp của Mỹ vào Libya là đúng đắn nhưng ông vẫn phải thành thực thừa nhận rằng Libya là sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông, vì đã không tính đến các diễn biến tiếp theo (một Libya hỗn loạn hơn sau khi bị phương Tây can thiệp).

Vào năm 2014, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trỗi dậy, chiếm được nhiều lãnh thổ ở Iraq và Syria, đồng thời liên tiếp chặt đầu nhiều công dân Mỹ. Không những vậy, IS còn tung ra nhiều video cùng lời lẽ khiêu khích để kích động Mỹ đưa quân trở lại Iraq và phát động chiến tranh trên bộ chống lại IS.

Nhưng lần này, với bài học Iraq và Libya, chính quyền Obama đã tỉnh táo để không mắc mưu khiêu khích của IS. Họ đã áp dụng một chiến lược tương đối toàn diện để đối phó với IS mà không đẩy mình vào thế phải phiêu lưu một lần nữa. Tổng thống Obama đã tỏ thái độ thân thiện với nhiều nước Hồi giáo, cố gắng xích lại gần các nước này.

Tất nhiên chiến lược chống IS đó vẫn còn nhiều khiếm khuyết (do tính chất can thiệp của Mỹ) nhưng nó vẫn là một bước tiến lớn so với tư tưởng chiến tranh chống khủng bố mà Mỹ theo đuổi ngay sau sự kiện 11/9/2001.

Cho đến nay, dù Mỹ có mở rộng hoạt động quân sự ở Iraq để chống IS một cách quyết liệt, tất cả những sự tăng cường đó đều được kiểm soát chặt chẽ với thái độ thận trọng cao độ.

Củng cố thế trận ở vùng Tây Thái Bình Dương

Một mảng đáng lưu ý nữa trong đường lối đối ngoại của Tổng thống Obama là chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, với Đông Nam Á là một trọng điểm. Ông Obama đã nhìn thấy ở khu vực này tương lai của thế giới và dồn dần sự đầu tư của siêu cường Mỹ sang đây.

Với chính sách xoay trục sang vùng châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã đẩy hiện diện quân sự ở đây lên một mức mới. Song song với mặt trận quân sự, Mỹ đã thực hiện hàng loạt động thái ngoại giao với các nước trong khu vực, để củng cố thế đứng của họ ở đây và cô lập đối thủ số 1 của họ ở Đông Bắc Á.

Những động thái quân sự và ngoại giao đó đã tạo thêm rất nhiều chỗ dựa cho Mỹ và ít nhiều mang lại cho họ cái nhìn thiện cảm từ các nước Đông Nam Á và Nhật Bản trong vấn đề bảo đảm tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế (ở Biển Đông và biển Hoa Đông).

Đối với một số đảng viên Cộng hòa (Mỹ), ông Obama đã thất thế trước Nga trong vấn đề Crimea (năm 2014) và Syria (tháng 9-10/2015).

Một số đảng viên Dân chủ (như bà Hillary Clinton) thậm chí còn lên tiếng chê ông Obama là mềm yếu trong lĩnh vực đối ngoại.

Bên cạnh thành công ngoại giao ở Iran và Cuba, nước Mỹ vẫn còn một hồ sơ lớn phải giải quyết là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mà trong đó CHDCND Triều Tiên thường rất khó dự đoán.

Nhưng về đại thể, với chính sách “thiên về nhu” (vẫn cương khi cần thiết, như khi quyết tâm tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden…), ông Obama đã gặt hái được nhiều thành công hơn là thất bại./.

Theo VOV