Thứ Ba, 19/11/2013 14:33

Chuyến thăm của ông Obama sẽ tạo 'bệ phóng' cho chứng khoán VN?

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những đợt tăng giá mạnh sau chuyến thăm chính thức của hai vị tổng thống Mỹ trước đây.

Tổng thống Bush thăm Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào ngày 20/11/2006. ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Vì vậy các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barrack Obama tại Việt Nam từ ngày 23 - 25/5 tới sẽ tạo ra cú hích mới cho thị trường.

Tăng liên tục cả tháng và lập đỉnh kỷ lục

Sự có mặt của Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Trung tâm giao dịch Chứng khoán TP.HCM (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) sáng 20/11/2006 đã đi vào lịch sử của Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng. Sau cú gõ chiêng khai trương phiên giao dịch của vị tổng thống Mỹ, TTCK có sự bùng nổ với gần 5,5 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được khớp lệnh, đạt trị giá 345 tỉ đồng. Đóng cửa thị trường hôm đó, chỉ số VN-Index tăng thêm 10,47 điểm, đạt 584,26 điểm. Điều này cũng khiến cho kết thúc năm 2006, TTCK cũng có nhiều kỷ lục mới ra đời khi VN-Index được xác lập ở đỉnh cao với mức 809,86 điểm và HASTC-Index (nay là HNX-Index) chạm mốc 260 điểm.

Tính chung, chỉ trong năm 2006, chỉ số VN-Index đã có mức tăng trưởng tới 146% và HASTC-Index tăng tới 170%. Đây là những mức tăng mà các thị trường trên thế giới phải thừa nhận là quá ấn tượng. Không chỉ riêng trong ngày đáng nhớ đó, mà trước thời điểm Tổng thống Bush đến Việt Nam, trong vòng 1 tháng VN-Index đã tăng 11,4%, từ mức 524,59 điểm lên 584,26 điểm. Và sau đó, chỉ số chứng khoán này tiếp tục tăng lên đỉnh cao 809,86 điểm chỉ trong vòng một tháng. Đây cũng là tiền đề để đưa VN-Index đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử TTCK Việt Nam là mức 1.170,67 điểm vào ngày 12.3.2007. Tương tự, chỉ số HNX-Index sau chuyến thăm của Tổng thống Bush một tháng cũng có được mức tăng ấn tượng từ 197,17 điểm lên 258,78 điểm (tăng 31,2%) và chỉ số này cũng lập đỉnh vào ngày 19.3.2007 ở mức 459,36 điểm.

Còn trước đó, chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc của vị Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào ngày 17/112000 cũng tạo ra cú hích lớn và giúp cho TTCK có được mức tăng trưởng vượt bậc. Khi đó, TTCK Việt Nam chỉ mới đi vào hoạt động với một chỉ số chứng khoán là VN-Index và chỉ số này cũng tăng từ 162,36 điểm lên 191,11 điểm (tăng 17,7%) trong vòng một tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton.

Như vậy, các nhà đầu tư có quyền đặt kỳ vọng vào giai đoạn tăng tốc sắp tới của TTCK Việt Nam khi chuyến thăm của Tổng thống Obama sắp diễn ra với những đàm phán, thảo luận xoay quanh nhiều vấn đề quan trọng...

Khả năng tăng khá cao

Chỉ số VN-Index đã tăng liên tục trong 7 tuần qua và đã có mức tăng hơn 4,4% kể từ đầu tháng 5 đến ngày 17/5. Hiện nay, VN-Index sắp tiến tới đỉnh 630 điểm của 8 năm qua. Điều này càng củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư vào một chu kỳ khởi sắc mới sắp tới của TTCK. Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhận định chuyến thăm của Tổng thống Obama khẳng định quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang phát triển rất tốt. Điều đó sẽ tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ cũng như với các nước khác sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Công ty chứng khoán TP.HCM nhận định chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ không dẫn đến bất kỳ một quyết định chính sách nào nhưng dự kiến sẽ có những thỏa thuận được ký kết giữa các doanh nghiệp, điều thường diễn ra ở những chuyến thăm như vậy. Nhưng nhiều khả năng thị trường sẽ tăng cho đến sau khi chuyến thăm của ông Obama kết thúc. Tuy nhiên vùng kháng cự tiếp theo của VN-Index là vùng kháng cự mạnh đã được giữ vững trong nhiều năm.

Còn theo Công ty chứng khoán Bản Việt, nhóm ngành năng lượng sẽ được hỗ trợ nhờ kỳ vọng chuyến thăm của ông Obama sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển dự án Cá Voi Xanh trị giá 3,8 tỉ USD ngoài khơi miền Trung Việt Nam, với sự tham gia của ExxonMobil.

Tương tự, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank KimEng, nhận định sự kiện này đã phần nào tác động đến TTCK nói chung góp phần giúp giá nhiều cổ phiếu tăng lên.

"Các nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng thị trường có thể xác lập lại mức tăng như trong lịch sử qua 2 chuyến thăm Việt Nam của hai tổng thống Mỹ. Dù khó có thể kỳ vọng thị trường có thể đạt được đến tầm cao như vậy do đã có quá nhiều sự khác biệt như quy mô thị trường, vốn hóa, số lượng doanh nghiệp niêm yết..., nhưng vẫn là một yếu tố tích cực không thể bỏ qua. Nhất là trong thời gian khoảng 6 tháng sau chuyến thăm chính thức, TTCK vẫn tiếp tục trong chu kỳ tăng trưởng. Thông tin tích cực này có thể góp phần giúp thị trường vượt được mốc 650 điểm trong năm nay mà trong suốt 16 năm lịch sử của chứng khoán Việt Nam, chỉ có duy nhất 1 lần năm 2006 là vượt qua được", ông Phan Dũng Khánh nói.
 

Tổng thống Mỹ gây ấn tượng cao với các doanh nghiệp niêm yết

Ngày 20/11/2006, Tổng thống Bush và phu nhân cùng phái đoàn Mỹ đến thăm Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Tại đây, Tổng thống Bush tham quan sàn giao dịch, nghe giới thiệu về lịch sử ra đời, hoạt động và tiềm năng của trung tâm. Tại đây cũng diễn ra bàn tròn doanh nghiệp Mỹ - Việt mà thành phần tham dự khá ít gồm 5 doanh nghiệp Việt Nam cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm với 5 doanh nghiệp Mỹ trong khoảng 60 phút.

Trong khoảng thời gian này, Tổng thống Bush trả lời các câu hỏi, đề xuất của đại diện 5 doanh nghiệp Việt Nam nói trên. Năm doanh nhân - doanh nghiệp Việt Nam được chọn tham gia diễn đàn gồm: ông Đặng Thành Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Tân Tạo; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển đầu tư công nghệ FPT; bà Lê Thị Phương Thủy, Tổng giám đốc Công ty Toàn Mỹ; ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA và bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE.

Cởi mở và thân thiện là ấn tượng mà Tổng thống Bush đã để lại trong trí nhớ của các doanh nghiệp và các nhân viên tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM trong buổi gặp ngắn ngủi đó
 

Theo Thanh niên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán
Bảo đảm ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán vốn là một trong những “hàn thử biểu”, một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, gần đây thị trường này đang có một số dấu hiệu bất ổn, cần có những giải pháp quyết liệt để ổn định và phát triển bền vững.