Mất an toàn

Huyện Quảng Điền là địa phương thường gánh chịu hậu quả nặng nề sau mùa mưa bão. Hơn 10 tuyến đường liên thôn, liên xã hư hỏng nặng từ 0,5- 2km. Hệ thống cầu, cống vốn đã cũ kỹ nay càng xuống cấp trầm trọng. Trong số đó có nhiều điểm huyết mạch, nơi có mật độ người dân qua lại cao.

Cầu Tây Thành (Quảng Thành, Quảng Điền) xuống cấp nghiêm trọng

Tại rốn lũ xã Quảng Thành, hệ thống giao thông sau mùa mưa bão hàng năm hầu hết đều hư hỏng, phải khắc phục tạm. Điển hình, cầu chợ Tây Thành ngay trung tâm xã, phục vụ người dân trong việc giao lưu và phát triển dịch vụ, điểm trung chuyển hàng hóa nông sản, thủy hải sản cung cấp cho các chợ ở TP.Huế hiện đã xuống cấp nghiệm trọng.

Cây cầu đã cũ nhưng hàng ngày phải đón nhiều phương tiện qua lại. Nằm sát chợ nên cầu còn phục vụ việc vận chuyển nông sản của bà con trong và ngoài địa phương. Cầu yếu nên chính quyền địa phương phải đặt biển báo hạn chế các phương tiện qua lại.

“Không chỉ cầu Tây Thành, ở địa phương còn có nhiều tuyến đường, cầu, cống hư hỏng cũng cần xây mới. Nguồn kinh phí hạn hẹp nên vẫn chưa có phương án cụ thể nào. Riêng cầu Tây Thành nhiều lần đề xuất cấp trên sửa chữa nhưng đến nay vẫn như hiện trạng cũ, nguy cơ mất an toàn rất cao”, ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết.

Về chất lượng hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn, ông Lê Ngọc Bảo, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền thừa nhận: “Hệ thống giao thông nông thôn hiện nay tại Quảng Điền hư hỏng nghiêm trọng. Sau mùa lũ năm 2016, rất nhiều tuyến đường, cầu cống trong tình trạng “báo động”. Giao thông nội đồng cũng bị hư hỏng hơn 10km”.

Ngoài huyện Quảng Điền, ngay cả ở các địa bàn sát nách TP. Huế cũng  có nhiều điểm giao thông trở thành “ẩn họa” cho người đi đường. Anh Hoàng Đắc Huynh (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà) cho biết: “Từ sau trận lũ năm ngoái, cống Quê Chữ bị sập, người dân phải dùng thân cây dừa để bắc cầu tạm, chờ sửa chữa. Nhiều người khi đi ngang qua đây bị rơi xuống cống. Gần đây cống mới có  phương án sửa chữa”.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, trên địa bàn tỉnh sau mùa mưa bão năm 2016, hệ thống giao thông bị thiệt hại đến 147 tỉ đồng. Trong đó, ước tính thiệt hại của hệ thống giao thông nông thôn khoảng hơn 131 tỉ đồng.

Chờ kinh phí

Theo ông Đinh Xuân Ngọc, cán bộ Phòng An toàn và Quản lý giao thông, Sở Giao thông Vạn tải, hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh đang tạm ổn, các vị trí xung yếu ở những tuyến quốc lộ bị thiệt hại sau lũ cũng đã khắc phục kịp thời. Trong khi đó, việc sửa chữa hệ thống giao thông nông thôn tùy thuộc vào kinh phí của từng địa phương. “Vai trò của sở ở các tuyến đường giao thông nông thôn là thống kê, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình duy tu bảo dưỡng. Còn trách nhiệm duy tu, sửa chữa được phân cấp về các địa phương. Những tuyến quốc lộ bị hư hại do bão lũ thường có kinh phí khắc phục của trung ương nên kịp thời sửa chữa. Hệ thống đường tỉnh cũng có kinh phí duy tu, bảo dưỡng của tỉnh nên tạm ổn. Riêng hệ thống giao thông nông thôn, khi có báo cáo thiệt hại sau mưa lũ ở các địa phương, sẽ có những hạng mục ưu tiên sửa chữa. Song, do kinh phí đang rất thiếu nên vẫn chưa biết họ khắc phục đến đâu”, ông Ngọc cho hay.

Tuyến đường nông thôn nối Hương Vinh (Hương Trà ) và Hương Sơ (T.P Huế) xuống cấp đang chờ kinh phí đầu tư

Thiếu nguồn kinh phí là bài toán chung ở các địa phương khiến thực trạng hệ thống giao thông nông thôn ngày càng xuống cấp. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, các địa phương chỉ biết “liệu cơm gắp mắm” chứ chưa có phương án cụ thể. “Nhiều tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống cầu dân sinh trên địa bàn huyện có tuổi đời cao nên không đảm bảo an toàn giao thông. Chúng tôi cũng chẳng có kế hoạch nào ngoài chờ nguồn vốn của tỉnh. Phương án duy nhất là chỉ sửa chữa tạm thời cho dân đi, treo biển cảnh báo, thậm chí dùng barie nhằm hạn chế phương tiện tải trọng lớn qua lại. Việc sửa chữa triệt để hiện chưa có phương án”, ông Lê Ngọc Bảo, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền thẳng thắn.

Về giải pháp, ông Đinh Xuân Ngọc thông tin: “Sở đang chủ trì triển khai dự án LRAM vay vốn ADB, sẽ bổ sung kinh phí để duy tu các tuyến đường ở nông thôn, đường tỉnh. Dự án do Ban đầu tư Xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư, sở tham gia vào việc hoạch định chính sách, các địa phương xây dựng kế hoạch bảo trì các tuyến đường. Tuy nhiên, dự án này chỉ chú trọng vào các tuyến chính và cũng chỉ đạt được khoảng 50% các tuyến đường ở các địa phương”, ông Ngọc cho biết thêm.

Bài, ảnh: Lê Thọ