Tám khu vực địa lý ở châu Á, châu Âu và Mỹ Latinh vừa chính thức được công nhận là Công viên địa chất của UNESCO, trong đó Trung Quốc và Mexico mỗi nước có 2 địa điểm, 4 điểm còn lại nằm ở Pháp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Iran.
Công viên địa chất Cheongsong ở Hàn Quốc. Ảnh: UN
Các công viên địa chất của UNESCO góp phần thúc đẩy đa dạng địa chất thông qua các sáng kiến do cộng đồng thực hiện nhằm tăng cường phát triển bền vững, đồng thời giúp theo dõi và thúc đẩy nhận thức về biến đổi khí hậu và giúp cộng đồng xây dựng các chiến lược giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Với 8 công viên địa chất toàn cầu mới, toàn thế giới hiện có 127 công viên địa chất được UNESCO công nhận nằm ở 35 quốc gia. Những địa điểm này đánh dấu lịch sử 4,6 tỷ năm của hành tinh chúng ta và sự đa dạng địa chất ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống và xã hội. Hơn nữa, công viên địa chất toàn cầu tạo cơ hội cho du lịch bền vững mà tầm quan trọng của nó đã được LHQ công nhận khi kêu gọi năm 2017 là Năm quốc tế về Du lịch bền vững để phát triển.
Bảo Nghi (Lược dịch từ UN)