Thứ Tư, 12/08/2020 05:55

Dập bản Cửu đỉnh

Để lưu trữ bản gốc của Cửu đỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã sao chép Cửu đỉnh bằng phương pháp dập bản. Tư liệu này cũng là “khuôn” để đúc Cửu đỉnh trong trường hợp cần làm một phiên bản.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa & tâm huyết với tranh dân gian xứ HuếCửu đỉnh Huế & hành trình được công nhận di sản tư liệu thế giớiLặng lẽ công việc dập văn bia cổ

Việc dập bản Cửu đỉnh đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo

Bảo vệ Cửu đỉnh

Cửu đỉnh được coi là vật báu chốn thâm nghiêm trước Thế Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn, là một tượng đài tượng trưng cho sự trường tồn của vương triều, thể hiện quyền uy và sự vững mạnh của một triều đại thống nhất.

Đây là báu vật quốc gia thuộc dạng “độc bản”, một cụm tượng đài hoành tráng về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX được biểu trưng bằng hình ảnh, thể hiện trí tuệ và tầm cao nghệ thuật của tiền nhân. Với những giá trị và ý nghĩa của Cửu đỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã gửi hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới.

Theo bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, kể từ khi bộ Cửu đỉnh này được đúc thành công vào năm 1837, 200 năm đã đi qua, với biết bao biến động thế cuộc, thế nhưng chưa một lần chính sử triều Nguyễn hay một nguồn tư liệu bất kỳ đề cập đến việc trùng tu, chỉnh sửa. Đến nay, Cửu đỉnh vẫn nguyên vẹn như ban đầu. Đây chính là giá trị đặc trưng và độc đáo của Cửu đỉnh để người Việt có thể tự hào về di sản này.

Được chế tác từ đồng, trải qua hơn hai thế kỷ “dầm mưa dãi nắng”, thời tiết tác động rất lớn đến Cửu đỉnh. Toàn bộ bề mặt của Cửu đỉnh đang đối diện với hiện tượng ăn mòn điện hóa. Các vết khuyết hỏng trên bề mặt đỉnh đồng như vết đạn làm giảm bề dày của đỉnh...

Đứng trước nguy cơ đến từ yếu tố tự nhiên và những rủi ro có thể xảy ra do tác động của con người, Cửu đỉnh rất cần những biện pháp bảo vệ đúng mức. Bà An Hòa cho hay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiến hành các giải pháp bảo quản phòng ngừa, như: dùng phương pháp chống ăn mòn điện hóa để bảo vệ lâu dài cho hiện vật; thiết lập giới hạn tham quan để bảo vệ hiện vật tránh các tác động do tính hiếu kỳ của khách tham quan; bảo vệ hiện vật tránh bị oxy hóa và bào mòn dần do khí hậu khắc nghiệt...

Sao chép nguyên bản

Để phòng tránh những tình huống đáng tiếc bất ngờ xảy đến với di tích, cũng như hạn chế việc phải sử dụng tư liệu gốc, toàn bộ chín đỉnh đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ. Cùng với việc hoàn thiện tư liệu lưu trữ, trung tâm thực hiện bảo tồn hệ thống hoa văn trang trí trên Cửu đỉnh bằng phương pháp “dập” thác bản.

Những hình ảnh trên Cửu đỉnh được sao chép bằng phương pháp dập bản

Theo bà An Hòa, dập bản là cách sao y bản chính để lưu trữ lâu dài chi tiết Cửu đỉnh. Kích thước, hình ảnh, đường nét của Cửu đỉnh được dập nguyên bản theo tỷ lệ 1-1 nên đây sẽ là “khuôn” nếu cần đúc phiên bản của Cửu đỉnh. Ngoài việc số hóa bản dập thành tư liệu số, những hình ảnh trên Cửu đỉnh được dập bản cũng sẽ được thiết kế in thành những bộ sách ảnh về các sinh vật, dược liệu, tinh tú… để giới thiệu đến du khách. Bộ Cửu đỉnh được dập bản cũng đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gửi kèm theo hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới.

Bằng giấy dó, mực, con lăn…, việc dập bản được tiến hành hoàn toàn bằng thủ công, rất công phu, tỉ mỉ và đòi hỏi kỹ thuật chuyên nghiệp. Giấy dó được chọn là loại giấy đẹp, mịn, dai, không quá mỏng cũng không quá dày. Việc pha trộn giữa nước và keo cũng đạt độ vừa phải để tạo sự kết dính giữa giấy dó và bề mặt các đỉnh. Sau đó dùng mực và con lăn lăn đều để sao chép tất cả các góc cạnh. Khi giấy khô, bóc ra thì nguyên hình ảnh trên Cửu đỉnh được in trên giấy dó.

Theo TS. Võ Vinh Quang, Phòng Nghiên cứu Khoa học, kỹ thuật dập Cửu đỉnh khác với kỹ thuật dập các loại văn bia. Cửu đỉnh bằng đồng nên rút nước rất nhanh. Tùy theo thời tiết mà sử dụng phương pháp, điều chỉnh các thao tác phù hợp. Quan trọng nhất là điều chỉnh cách pha keo và nước, dùng lượng keo phù hợp để giấy dó kết dính, không quá khô, cũng không quá ướt, tránh làm giấy không bám được hoặc bị rách.

“Việc dập bản Cửu đỉnh khá phức tạp và qua nhiều công đoạn. Những chi tiết trên Cửu đỉnh, như hoa lá, cây cỏ, trong đó có những chi tiết rất nhỏ nên kỹ thuật dập, bồi phải tỉ mỉ. Điều này đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm được tích lũy qua thực tế trong nhiều năm. Các góc cạnh phải có kỹ thuật tốt thì bản dập mới đẹp, sắc sảo và chính xác”, anh Quang nói.

Bài: Minh Hiền

Ảnh: Trung tâm BTDT Cố đô Huế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng cây tạo nguồn gỗ quý để trùng tu di tích
Trồng cây tạo nguồn gỗ quý để trùng tu di tích

Hưởng ứng Tết trồng cây và chủ trương trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động nhằm triển khai thực hiện chương trình “Vì một Việt Nam xanh” trong năm 2023, ngày 31/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức hoạt động Tết trồng cây tại lăng vua Thiệu Trị.

Hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân
Hạ nêu, khai ấn cung chúc tân xuân

Đánh dấu kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sáng mùng 7 Tết (nhằm ngày 28/1), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế tổ chức lễ hạ nêu và khai ấn cung chúc tân xuân tại Triệu Miếu và Thế Miếu - Đại Nội.

Khai thác lợi thế, giá trị đặc thù của di sản
Khai thác lợi thế, giá trị đặc thù của di sản

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, chỉnh trang cảnh quan, chấn chỉnh môi trường du lịch, phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích…là những nhiệm vụ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đặt ra tại hội nghị triển khai công tác năm 2023, diễn ra sáng 29/12.