Một lớp dạy kỹ năng bơi lội cho các em học sinh Trường tiểu học Phú Mỹ 1 (huyện Phú Vang) do chính giáo viên nhà trường đảm nhận ngay trạm bơm nước thủy lợi. Ảnh: Phan Thành

Có giám sát… vẫn gặp nạn

Theo các bác sĩ, trong số những bệnh nhân bị nạn do ngạt nước được đưa vào bệnh viện cấp cứu đa số thuộc nhóm tuổi trẻ em. Đây là lứa tuổi hiếu kỳ, thích tò mò, mạo hiểm. Trái với suy nghĩ nhiều người, chết đuối chỉ xảy ra ở trẻ không biết bơi nhưng thực tế ngược lại, trẻ biết bơi vẫn gặp nạn. Có nhiều lý do, như vọp bẻ, kiệt sức, bơi ở vùng nước chảy xiết…

Mới đây nhất, vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra tại hồ bơi nằm trong Khu du lịch Suối khoáng nóng Alba Thanh Tân (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) khiến cháu bé 4 tuổi N.V.N.K. (trú xã Phong Mỹ) tử vong sau khi đưa đi cấp cứu. Ông Thái Công Sau, Trưởng Công an xã Phong Sơn cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc là trưa 20/5. Lúc đó bé đi tắm cùng mẹ và nhóm người lớn ở suối tự nhiên, sau khi lên bờ, cháu không đi theo mẹ mà tách riêng chạy qua hồ tạo sóng biển chơi thì gặp nạn. “Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó ở bệnh viện nhưng cháu vẫn không qua khỏi vào chiều cùng ngày”, ông Sau cho hay.

Điều đáng nói ở đây, lúc xảy ra vụ việc có nhân viên trực hồ, cứu hộ. Đại diện Khu du lịch Suối khoáng nóng Alba Thanh Tân cũng thừa nhận điều này. Tuy nhiên khi đặt câu hỏi trách nhiệm của những người giám sát ở đây, vị này nói rằng đơn vị đang phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan công an điều tra làm rõ và chờ kết luận cuối cùng.

“Ở mỗi hồ đều có nội quy rõ ràng, có đội trực quan sát diễn biến. Thế nhưng với những trường hợp trẻ nhỏ chúng tôi không bán vé bởi thường có người lớn đi cùng. Tất nhiên khi xuống hồ bơi, phụ huynh cũng phải có mặt giám sát con em mình. Trong lúc chờ cơ quan chức năng làm rõ, chúng tôi đã đến gia đình chia sẻ mất mát này”, vị này nói.

Trước thực trạng đuối nước dẫn đến nhiều cái chết thương tâm, những năm gần đây nhu cầu cho con học bơi sớm được các bậc phụ huynh quan tâm. Ngay từ đầu mùa nắng, các địa chỉ học bơi luôn đông khách, các trường vùng quê cũng tận dụng các hồ chứa trạm bơm, bãi biển để dạy cho học sinh những kỹ năng bơi lội, ứng phó với nạn đuối nước.

Một lớp dạy kỹ năng bơi lội cho học sinh Trường tiểu học Phú Mỹ 1 (huyện Phú Vang) do chính giáo viên nhà trường đảm nhận ngay trạm bơm nước thủy lợi. Ảnh: Phan Thành

Duy trì thường xuyên lực lượngcứu hộ, cứu đuối

Số liệu từ Trung tâm Thể thao dưới nước tỉnh cho thấy, những tháng cao điểm của năm (tháng 5 đến tháng 8) hồ bơi rất đông với khoảng 150.000 lượt người; trong đó, trẻ em 9-15 tuổi chiếm hơn 70%. Đều này cho thấy, nhu cầu học bơi của trẻ em rất cao.

Ông Trần Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thể thao tỉnh cho biết, ngoài việc dạy kỹ thuật bơi đúng cách, các em còn được hướng dẫn xử lý các tình huống, sự cố trong bơi lội như chuột rút, bị đuối nước, đuối sức, gặp xoáy nước... Cùng với đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp túc trực thường xuyên, những ngày cao điểm còn huy động nhân viên các bộ phận khác giám sát, cứu hộ khi cần thiết. Tùy vào số lượng học viên trong một bể để bố trí đội ngũ cứu hộ, (thông thường dưới 10 học sinh có 2 cứu hộ). Ngoài trang bị đầy đủ áo phao, trung tâm cũng dựa vào trình độ bơi để sắp xếp bể phù hợp cho các em.

Mới đây, Sở Văn hóa & Thể thao đã lập đoàn công tác kiểm tra tăng cường cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn tại các khu tắm biển, bể bơi, sông hồ trên địa bàn tỉnh đợt 1. Phần lớn các cơ sở kinh doanh đều chấp hành tốt các quy định, có đội ngũ cứu hộ đuối nước và nhân viên y tế cùng tủ thuốc sơ cấp cứu ban đầu, nâng cấp dụng cụ cứu hộ, cứu nạn như phao, sào, biển báo độ nông sâu, nội quy… Riêng một số bãi biển, đoàn đã yêu cầu bổ sung một số trang thiết bị cứu hộ, cứu đuối, có bảng báo nguy hiểm, chòi canh, phao giới hạn khu vực tắm. Ngoài ra, duy trì thường xuyên lực lượng cứu hộ cứu đuối khi có khách tham gia dịch vụ, tủ thuốc sơ cứu ban đầu, cử cán bộ tập tham gia lớp tập huấn theo quy định.

Sơ cứu tại chỗ rất quan trọng

Theo bác sĩ CK II Ngô Viết Sĩ, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 tỉnh, đối với tai nạn đuối nước, việc sơ cứu ngay tại chỗ nhờ những người xung quanh là rất quan trọng và việc đưa tới bệnh viện chỉ nhằm cấp cứu những biến chứng.

Lúc phát hiện nạn nhân bị đuối nước, phải nhanh chóng đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt lên và thực hiện theo trình tự các bước khai thông đường thở bằng cách quỳ bên cạnh nạn nhân, một tay đặt lên trán nạn nhân đẩy ra phía sau, một tay nâng cằm lên sao cho nạn nhân ưỡn cổ tối đa, dùng gạc hay khăn vải móc đất, bùn, đờm dãi (nếu có) ra khỏi miệng để thông đường thở vùng miệng.

Tiếp đến, kiểm tra sự thở để tiến hành hồi sinh tim, phổi (thổi ngạt và ép tim). Sau đó nhanh chóng tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ở 1/3 dưới của xương ức. Đối với người lớn và trẻ trên 8 tuổi, dùng hai tay chồng lên nhau ấn thẳng xuống xương ức, sâu xuống 4-5 cm, trẻ 1- 8 tuổi dùng một tay ấn sâu 3-4 cm và trẻ 0-12 tháng tuổi dùng 2 ngón tay sâu xuống 1-2 cm.

Sau khi làm 5 chu kỳ ép tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2 (hoặc 10 chu kỳ tỉ lệ 15/2- hai người làm) dừng lại 5 giây kiểm tra nhịp thở, nhịp tim rồi tiếp tục làm, kiên trì cho đến khi tim đập và thở trở lại thì nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

Cũng theo bác sĩ Sĩ, để phòng ngừa ngạt nước, nhà trường nên dạy trẻ học bơi đồng thời dạy trẻ biết cách cứu người bị ngạt nước. Những gia đình có trẻ nhỏ nên đậy kín các vật chứa nước trong nhà và không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông, suối...

PHAN THÀNH - THANH THẢO