Thứ Ba, 28/07/2020 06:30

Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng sống

Những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong đầu năm 2023 với nạn nhân là trẻ em cho thấy, trẻ em trong thời đại hiện nay đang quá thiếu về kỹ năng sống.

Học sinh được trải nghiệm gói bánh chưng ngày tết. Ảnh: MC

Thiếu kỹ năng sống

Những ngày đầu tháng 1/2023, mạng xã hội rúng động trước thông tin em H.N trượt chân lọt vào cọc bê tông khi đang cùng ba bạn nữa vào dự án xây cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi (Đồng Tháp), cách nhà gần một km, nhặt phế liệu. Hàng triệu người dân đang mòn mỏi ngóng tin lực lượng cứu hộ kéo trụ bê tông lên để giải cứu bé H.N. Sự việc trên vẫn chưa lắng xuống thì tiếp đó, một cậu bé 7 tuổi lại gặp nạn khi đưa tay vào máy trộn bê tông.

Trước đó, vào tháng 5/2022, trên địa bàn Thừa Thiên Huế ghi nhận vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân là trẻ em. Cụ thể, em T.H.H. học sinh lớp 8/1 Trường tiểu học và trung học cơ sở Thủy Tân, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy đi chơi cùng bạn, khi đến đập tràn ở khu vực hồ Bàu Họ thuộc thôn 1A, xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy), cả nhóm rủ nhau xuống tắm. Trong lúc đang tắm, thấy T.H.H. có biểu hiện đuối nước, nhóm bạn đi cùng chạy lên bờ gọi người đến tiếp cứu nhưng không kịp. Việc liên tiếp các trẻ em gặp nạn một lần nữa khiến người ta thấy rõ một vấn đề: Trẻ em đang quá thiếu về kỹ năng sống.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15 - 19 tỷ lệ cao nhất, chiếm 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5 - 14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0 - 4 chiếm 19,5%. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.

Theo đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, con số 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích là con số đáng báo động. Cũng theo số liệu thống kê, ngoài nguyên nhân đuối nước đứng đầu bảng, còn rất nhiều tai nạn đáng tiếc khác xảy ra liên quan đến các tại nạn về điện hoặc điện giật, xâm hại tình dục, bỏng, ngã, cháy… những tai nạn mà đáng lẽ có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nếu trang bị cho trẻ đầy đủ những kỹ năng tự bảo vệ thiết yếu.

Đồng hành cùng những hoạt động về trẻ em trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh nhận thấy một bộ phận không nhỏ trẻ em hiện nay tuy đạt điểm số cao trong học tập, nhưng kiến thức về cuộc sống xung quanh của các em hầu như không có. Bà Hòa từng nhiều lần ngạc nhiên khi thấy có những em đến độ tuổi đi học, mà ngay những hoạt động thường nhật như tự mặc quần áo, buộc dây giày, chuẩn bị đồ dùng học tập, nấu đồ ăn sáng… vẫn chưa tự làm được. Bên cạnh đó, nhiều em cũng thiếu các kỹ năng liên quan đến sinh tồn, giao tiếp, ứng xử, đạo đức.

“Liên quan đến kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự bảo vệ, trẻ em thời nay “thiếu” và “yếu” ngay cả những kỹ năng cơ bản nhất. Cụ thể, nhiều em không biết về những lưu ý khi bơi lội để tránh bị đuối nước, hoặc có thể biết nhưng chưa nhận thức rõ ràng hậu quả nên vẫn mang tâm lý chủ quan”, bà Hòa chia sẻ.

Cần nhiều giải pháp

Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho rằng, mặc dù nhiều trường học đã có những tiết học về kỹ năng sống cho trẻ em, nhưng với thời lượng chưa nhiều, chưa có hệ thống, khiến các em không được thực hành dẫn đến tình trạng nhiều trẻ học giỏi nhưng lại thiếu đi kỹ năng giao tiếp, sinh tồn cần thiết.

Cũng theo bà Lan, kỹ năng sống sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả trong chính những môi trường hoạt động cụ thể. Do đó, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, gia đình cũng nên lên kế hoạch định hướng thời gian học tập giữa kỹ năng sống và năng khiếu cho các em.

“Đáng mừng là hiện nay, cũng có rất nhiều các bậc phụ huynh quan tâm đến giải pháp cũng như có sự đầu tư cho con đi học những lớp dạy về kỹ năng sống, tổ chức cho con những chuyến đi trải nghiệm người thật, việc thật và làm dày vốn sống… Đó đều là những lựa chọn thông minh và mang lại hiệu quả tích cực trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ”, bà Lan cho biết.

Bà Lan đồng thời nhấn mạnh, để những giải pháp nêu trên thực sự phát huy tác dụng, không thể không có sự quan tâm, sát sao và dạy dỗ từ phía các bậc phụ huynh. Dù đã được học kiến thức ở trường, lớp hay trên mạng internet, trẻ vẫn cần sự kiểm soát và định hướng của bố mẹ để có thể tiếp cận với những kiến thức thực sự có ích và phù hợp.

ĐĂNG TRÌNH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những chuyến biển đầu năm
Những chuyến biển đầu năm

Chính quyền các cấp và ngư dân Phú Vang quyết tâm nâng cao hiệu quả đánh bắt, khai thác biển, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bất động sản chao đảo vì thiếu dòng vốn
Bất động sản "chao đảo" vì thiếu dòng vốn

Thời gian qua, nhất thời điểm từ giữa năm 2022 đến nay, phần lớn các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) "sốt ruột" vì tín dụng bị siết chặt. Đa số DN thiếu vốn để triển khai dự án (DA), còn nhà đầu tư thứ cấp không có dòng tiền để "lướt sóng".

Giá vật liệu xây dựng tăng nhẹ đầu năm
Giá vật liệu xây dựng tăng nhẹ đầu năm

Đầu năm 2023, giá vật liệu xây dựng (VLXD) biến động tăng nhẹ. Dự báo thời gian tới khi các công trình khởi động, xây dựng dân dụng trở lại khi thời tiết thuận lợi, giá cát, đất làm vật liệu san lấp (VLSL) sẽ tăng mạnh.

Sớm có quy định cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội
Sớm có quy định cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội

Trong thời đại 4.0, internet và mạng xã hội (MXH) xuất hiện phổ biến hơn với trẻ em, góp phần hỗ trợ trẻ cả về mục đích giáo dục và giải trí. Tuy nhiên, MXH cũng là nơi tiềm ẩn nhiều mối nguy cho trẻ.

Áp lực của “người làm quan”
Áp lực của “người làm quan”

Dân gian xưa có câu: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Thành ngữ đó có ý tốt, nhưng hiểu theo mặt trái lại bao hàm thiếu lành mạnh, trở thành một hiện tượng tiêu cực trong xã hội.