Một đứa trẻ ở Yemen bị nghi mắc bệnh tả đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Sana'a vào ngày 15/5/2017. Ảnh: AFP

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), dịch tả đã làm hơn 900 người thiệt mạng và hơn 124.000 người khác nhiễm bệnh kể từ cuối tháng 4 đến nay.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết, tỷ lệ người Yemen mắc bệnh đã tăng gấp 3 lần chỉ trong 2 tuần qua, đòng thời cảnh báo số người mắc bệnh có thể tăng lên tới 300.000 người.

Bệnh này gây ra tiêu chảy nặng, có thể làm tử vong những người bị nhiễm bệnh trong vài giờ nếu không được điều trị đúng cách. Trẻ em bị suy dinh dưỡng, với con số khoảng 2 triệu ở Yemen, là đối tượng rất dễ bị tổn thương.

Ông Grant Pritchard, đại diện cho Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Yemen, nhấn mạnh, "đã đến lúc thế giới phải hành động trước khi hàng ngàn trẻ em ở Yemen phải thiệt mạng vì căn bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa được này". "Bệnh tật, đói khát và chiến tranh đang gây ra một loạt thảm họa cho người dân Yemen. Quốc gia nghèo nhất trong khu vực đang trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn, trẻ em đang chết dần vì không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản", ông nói thêm.

Ông Pritchard nói thêm rằng lệnh cấm vận trên không và trên biển đối với Yemen đã dẫn đến những hạn chế trong việc đưa viện trợ và cung cấp thuốc men cho nước này - một tình huống làm phức tạp hơn nữa các nỗ lực ngăn chặn nạn dịch.

Tổ chức từ thiện Oxfam của Anh ước tính, cứ mỗi giờ, căn bệnh này giết chết ít nhất một người ở Yemen.

Ismail Mansuri, bác sĩ điều trị bệnh tả ở bệnh viện Sabaeen cho biết: "Trong 2 tuần qua, chúng tôi tiếp nhận các bệnh nhân với tỷ lệ 1 hoặc 2, thậm chí đôi khi lên đến 3 lần/phút".

Vào tháng 3/2015, Saudi Arabia và các đồng minh bắt đầu một chiến dịch quân sự chống lại Yemen để thiết lập lại chính phủ cũ. Từ đó, chiến tranh đã giết chết hơn 12.000 thường dân.

Hồi đầu tuần này, Bộ Y tế Yemen cho hay, lệnh cấm vận của Saudi Arabia đối với đất nước nghèo đói này đã dẫn đến cái chết của khoảng 10.000 bệnh nhân, những người đã bị ngăn cản ra nước ngoài để điều trị.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Abdul-Hakim al-Kuhlani nói rằng, ước tính khoảng 75.000 bệnh nhân được cần được điều trị ở nước ngoài mỗi năm.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & UN)