Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm năm thi hành Luật Công chứng và tổng kết công tác chứng thực (2007 - 2013) do Bộ Tư pháp vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hoạt động trong lĩnh vực này nở rộ với 625 tổ chức và 1.500 công chứng viên trong cả nước, đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức và đem lại sự an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại. Điều này góp phần giải tỏa sự ùn tắc, quá tải tại các phòng công chứng công, giảm bớt gánh nặng biên chế, ngân sách Nhà nước và tăng nguồn thu cho địa phương. Việc xã hội hóa các hoạt động công chứng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao nghiệp vụ, chất lượng phục vụ người dân của các công chứng viên để dần dần từng bước chuyên nghiệp hóa theo xu hướng hội nhập thế giới. Qua công chứng gần 7 triệu sự việc, các tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước thu phí gần 3 ngàn tỷ đồng, thu gần 2 trăm tỷ đồng tiền thù lao, nộp thuế và ngân sách Nhà nước gần 1 ngàn tỷ đồng. Mặc dù vậy, hoạt động công chứng còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cả khách quan lẫn chủ quan: Cơ sở pháp lý, thể chế về lĩnh vực này sau thời gian đi vào thực tiễn xuất hiện nhiều điều chưa phù hợp. Việc triển khai các qui định còn chưa thống nhất tại các địa phương. Công tác quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo, nhiều bất cập. Nhận thức của xã hội về công tác công chứng và chứng thực còn chưa rõ nét....
“Tại Thừa Thiên Huế, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ công chứng có sự đổi mới, xây dựng được phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và tạo được niềm tin đối với tổ chức, cá nhân. Một số vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ công chứng từng bước được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế theo quy định của pháp luật. Lượng khách đến yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch năm sau cao hơn năm trước; đồng thời, phí và thù lao công chứng thu được cũng tăng lên đáng kể. Các tổ chức hành nghề công chứng, gồm: hai phòng công chứng và hai văn phòng công chứng với 11 công chứng viên đã thụ lý và giải quyết gần 55 ngàn hợp đồng, giao dịch và thu phí hơn 16 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng, chi phí khác thu gần 3 tỷ đồng và đóng góp ngân sách tỉnh gần 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về công chứng còn gặp một số khó khăn: Công chức làm công tác bổ trợ tư pháp còn thiếu và không am hiểu về nghiệp vụ công chứng nên hoạt động quản lý Nhà nước đối với công tác này còn mờ nhạt, chưa đi vào chiều sâu. Việc xã hội hóa công chứng cũng bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực, như: cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng” - ông Hồ Viết Tư, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đánh giá về kết quả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ công chứng.
Để đáp ứng quy hoạch tổng thể phát triển hành nghề công chứng đến năm 2020 trên toàn quốc nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, thời gian đến, Bộ Tư pháp cần sớm trình Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và xây dựng Luật Chứng thực để đưa hoạt động công chứng, chứng thực chuyên nghiệp hơn, đáp ứng các thông lệ quốc tế. Cơ quan chức năng cần có những sửa đổi thống nhất trong Bộ luật Dân sự, các luật Đất đai, Công chứng nhằm tạo nên sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; quy định chặt chẽ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, kiểm tra trình độ của người dịch thuật các văn bản công chứng; quy định rõ nhiều thẩm quyền, trình tự, thủ tục liên quan đến chứng thực và hủy bỏ các sai sót trong chứng thực...
Vĩnh Cự