Từ những cách hành xử phản cảm

Môi trường du lịch trước đường vào Đại Nội rất nhếch nhác. Ảnh: Q.Phong

Mới đây, một tờ báo đưa tin về hành vi ném lại tiền boa của một tài xế xích lô Huế vào mặt một nữ du khách người Pháp, chỉ vì chê quá ít (hai mươi nghìn đồng). Thông tin về cách hành xử thiếu văn hóa này đã không chỉ gây sốc đối với bản thân du khách mà còn tác động mạnh đến những du khách khác đang có ý định đến với Cố đô Huế. Bản thân những người dân Huế sống trong thành phố du lịch này cũng không khỏi cảm thấy xấu hổ.

Thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương, ngành văn hóa có nhiều nỗ lực và quyết tâm để chấn chỉnh môi trường du lịch, tuy nhiên hiệu quả không được như mong muốn. Bằng chứng là, những cách hành xử như trên vẫn hàng ngày hiện diện ở một thành phố du lịch như Huế, có thể kể ra đây như tình trạng tài xế xe taxi lái vòng vòng để tăng giá tiền cước hoặc cố tình viện lý do thiếu tiền để ăn bớt tiền thối lại cho khách. Ở chợ Đông Ba, một trung tâm thương mại lớn và thu hút khá đông du khách đến tham quan mua sắm cũng đang xảy ra tình trạng chèo kéo, thách giá và gần đây theo như phản ánh của một số du khách tham quan còn xảy ra tình trạng ép du khách đổi tiền ngoại tệ và cố tình đổi thiếu.
 
Tuyến đường vào cửa Ngăn, nơi có mật độ du khách tham quan tấp nập nhất của Huế, dù điểm đỗ xe Nguyễn Hoàng được chỉnh trang song cảnh tượng kinh doanh buôn bán nhốn nháo vẫn hiện diện. Đó là tình trạng người dân bỏ các sạp bán hàng lưu niệm chiếm dụng vỉa hè dành cho người đi bộ, tình trạng tranh giành, chèo kéo của một nhóm đông thợ nhiếp ảnh với khách du lịch ở khu vực này cũng khiến nhiều du khách phiền lòng, có người còn kéo cả du khách xuống lòng đường để chụp ảnh làm cho việc lưu thông qua đây rất dễ xảy ra tai nạn. Tình trạng cò mồi du khách để ăn tiền hoa hồng tại các cửa hàng bán đặc sản Huế là hậu thuẫn cho những cơ sở sản xuất đặc sản kém chất lượng hoạt động và khiến du khách vừa mất tiền, vừa không mua được các mặt hàng đặc sản có chất lượng tốt nhất.
 
Đến những việc cần làm ngay
 
Những hình ảnh thông tin về cách ứng xử xấu xí kia của những người làm du lịch theo kiểu chụp giật có thể trở thành những “phát súng” bắn vào môi trường du lịch và để lại những hệ lụy rất lớn, trên thực tế dù không phải phổ biến nhưng một khi nó được truyền nhau thì có khi lại tác động rất tiêu cực đến tâm lý của số đông người dân. 
 
Chấn chỉnh tình trạng này là hết sức cần thiết, bởi điều này quyết định đến sự phát triển bền vững, thậm chí sống còn của ngành du lịch Huế. Tất nhiên, cần phải có những giải pháp hữu hiệu. Đầu tiên, những người làm du lịch cần phải qua các lớp đào tạo ngắn hạn, thậm chí cấp chứng chỉ để được hành nghề trong môi trường thành phố du lịch, những khóa đạo tạo này sẽ trang bị cho những người làm du lịch nhưng nguyên tắc đạo đức và cách ứng xử đối với du khách. Nếu vi phạm, tùy mức độ có thể xử lý và rút giấy phép hoạt động trong một thời gian nhất định. Lâu nay, ngành văn hóa đã công bố số điện thoại nóng để tiếp nhận thông tin phản ảnh, nhưng để du khách có thể phản ảnh kịp thời, số điện thoại này phải được niêm yết ở nhiều địa điểm khác nhau, ở nơi dễ quan sát. Những thông tin của du khách phản ảnh sau khi được tiếp nhận cần được xử lý nhanh chóng và thỏa đáng để du khách thấy họ được bảo vệ. Một vấn đề cần phải làm ngay là tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ, giữ gìn môi trường tại các địa điểm du lịch, và kiên quyết xử lý những hành vi chèo kéo, lấn chiếm lòng lề đường, xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan và môi trường đô thị.
Thanh Quang