Hói Dừa là vùng xa của thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), nằm bên chân đèo Hải Vân. Toàn khu vực có hơn 110 hộ gia đình, muốn đi lại với các địa bàn khác chỉ có con đường duy nhất là phải băng qua suối trên cây cầu tre tạm bợ. Tuy nhiên qua mỗi mùa mưa lũ, nước suối dâng cao, cây cầu lại bị cuốn trôi, việc đi lại của bà con trong vùng bị cản trở; khổ cho hàng trăm học sinh nơi đây phải nghỉ học dài ngày vì bị cô lập. Để giải quyết tình trạng đó, bà con cùng nhau góp tre nứa để làm cầu tre đi tạm nhưng chỉ qua lại trong mùa nắng. Từ năm 2000 đến nay, không dưới 10 lần cây cầu ở Hói Dừa được nâng cấp, làm mới, nhưng vẫn theo điệp khúc “tạm vẫn hoàn tạm”.
|
Cây cầu tạm ở Hói Dừa chỉ giúp bà con địa phương đi lại được trong mùa nắng ráo
|
Anh Lê Văn Hoàng, một người dân trong khu vực, cho biết: “Mỗi lần qua cây cầu, ai cũng biết là nguy hiểm, nhất vào lúc mưa gió nhưng vẫn phải đi, chứ có lối nào khác”. Bà Hoàng Thị Mây, 70 tuổi, chia sẻ khi chúng tôi có mặt ở Hói Dừa: “Đi trên chiếc cầu tre mới thấy được nguy hiểm luôn tiềm ẩn theo mỗi bước chân, vì nó rung, lắc bần bật. Chỉ cần sơ sẩy là rơi ngay xuống suối không biết tính mạng sẽ ra sao. Vậy mà, hàng ngày vẫn có hàng trăm người dân Hói Dừa qua lại chiếc cầu chông chênh này”. Anh Lê Văn Ngọc, tổ trưởng khu vực Hói Dừa, nói: “Rất nhiều lần bà con Hói Dừa lần kiến nghị trong các cuộc họp ở thị trấn Lăng Cô về cây cầu tạm. Những trăn trở của bà con, chính quyền địa phương đã hiểu, nhưng do kinh phí xây dựng một cây cầu vượt quá khả năng nên đến bây giờ vẫn chẳng thấy...”.
Mong một cây cầu bắc qua dòng suối ở trung tâm Hói Dừa là khát khao lâu nay của người dân Hói Dừa.
Minh Văn