Số lượng ngày càng tăng của các sản phẩm có nguồn gốc địa lý cụ thể và được chứng nhận đang mang lại lợi ích kinh tế và xã hội to lớn cho khu vực nông thôn, đồng thời có thể thúc đẩy phát triển bền vững, một báo cáo được công bố ngày 26/4 cho biết.
Khách hàng mua phô mai tại một quầy hàng thực phẩm ở chợ Esquilino, Rome, Italy. Ảnh: FAO
Các sản phẩm thực phẩm có nhãn hiệu địa lý đã được đăng ký nhãn hiệu, có chất lượng hoặc danh tiếng cụ thể gắn liền với nơi xuất xứ của chúng, chiếm tới 50 tỷ USD thương mại hàng năm trên toàn thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.
Khái niệm này không phải là mới, khi các sản phẩm từ rượu vang Bordeaux đến phô mai Parmigiano đã được dán nhãn bảo vệ trong nhiều thập niên hay nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, ý tưởng đó đang lan rộng và các sản phẩm như vậy đang xuất hiện ở những quốc gia và khu vực đang phát triển.
Ông Emmanuel Hidier, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm đầu tư của FAO cho hay: “Chỉ dẫn địa lý là một cách tiếp cận với các hệ thống sản xuất và tiếp thị thực phẩm để đặt các cân nhắc về xã hội, văn hóa và môi trường ở trung tâm của chuỗi giá trị. Chúng có thể là một con đường để phát triển bền vững cho các cộng đồng nông thôn bằng cách thúc đẩy những sản phẩm chất lượng, tăng cường chuỗi giá trị, cũng như cải thiện tiếp cận với nhiều thị trường".
Thanh Ngân (Lược dịch từ UN News)