Thế giới đang trở nên nóng hơn, dẫn đến tình trạng mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt hơn, gây ra mưa bão, hạn hán và lũ lụt, cũng như nhiều rủi ro khác đối với khí hậu toàn cầu...
Phát thải carbon dioxin dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu. Ảnh: ABC
Trước thực trạng đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng, thuế carbon, hoặc các loại phí tương tự đối với hàm lượng carbon từ than, các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên, chính là các công cụ hiệu quả nhất để giảm phát thải carbon dioxide, nguồn khí chủ yếu gây nóng lên toàn cầu. Các loại thuế này có thể được xây dựng trên các khoản phí nhiên liệu hiện có và có khả năng làm tăng doanh thu đáng kể cho chính phủ để chính phủ có thể sử dụng, từ đó cắt giảm các khoản thuế nặng nề khác cho nền kinh tế hoặc tăng cường đầu tư giúp tăng trưởng.
IMF đã đưa ra những hướng dẫn thiết thực trong việc thiết kế các chính sách tài chính để giảm thiểu biến đổi khí hậu. IMF đang phát triển các công cụ để giúp các quốc gia đánh giá lượng phát thải, cũng như các tác động kinh tế và tài chính rộng lớn hơn trong việc định giá carbon và các công cụ giảm thiểu thay thế, như đánh thuế đối với nhiên liệu tiêu thụ của cá nhân gây phát thải, nhưng sẽ ưu đãi cho các chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Ví dụ, đánh giá kinh tế hàng năm của IMF về Trung Quốc cho thấy, thuế carbon, hoặc thuế sử dụng than, sẽ hiệu quả hơn trong việc làm giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí cục bộ so với các hệ thống khác. Theo báo cáo sắp tới của IMF, mức thuế 70 USD/tấn đối với khí thải carbon dioxide vào năm 2030 – thời điểm giá xăng sẽ tăng lên khoảng 60 cent/gallon và giá than tăng gấp 3 lần, sẽ đủ để đáp ứng việc giảm thiểu lượng phát thải như cam kết trong một số nền kinh tế thị trường tiên tiến và mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi. Dự đoán, mức thuế này sẽ gần như đủ ở một số nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, nhưng sẽ thiếu ở Úc, Canada và một số nước châu Âu khác.
Tố Quyên (Lược dịch từ Devdiscourse)