Bài viết trên trang Businessmirror mới đây cho biết, Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) đang đẩy mạnh các nỗ lực chung nhằm bảo vệ và bảo tồn tài nguyên biển Đông Nam Á. Theo đó, Giám đốc điều hành ACB Theresa Mundita S. Lim nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng mối liên kết của các hệ sinh thái biển ASEAN để hỗ trợ ở cấp khu vực.
Một rạn san hô ở Phillippines. Ảnh: The Asian
“Với vai trò CEO của ACB, tôi khuyến khích nhiều nỗ lực tập thể hơn trong việc bảo vệ và bảo tồn tài nguyên biển phong phú của toàn bộ khu vực Asean. Nếu chúng ta có thể thiết lập sự kết nối giữa các hệ sinh thái biển ASEAN, việc hỗ trợ ở cấp khu vực sẽ dễ dàng hơn”, bà Lim cho biết trong một thông cáo báo chí của ACB.
ACB cũng kêu gọi các chính phủ “tiếp tục phát triển các biện pháp bảo tồn ở các khu vực xuyên biên giới, bao gồm các khu bảo tồn biển, nhấ là ở khu vực ASEAN” và khuyến khích các nước duy trì sự phát triển và thực hiện các mạng lưới sinh thái.
Khu vực ASEAN chiếm 1/3 môi trường biển và ven biển của thế giới, bao gồm các rạn san hô, rừng ngập mặn, cửa sông, bãi biển đầy cát và đá, các thảm cỏ biển và rong biển... Đây được coi là các nguồn lực quan trọng đối với sinh kế của các cộng đồng ven biển trong khu vực.
Theo ước tính, tổng lợi nhuận ròng tiềm năng hàng năm trên mỗi km vuông của các rạn san hô khoẻ mạnh trong khu vực có giá trị giao động trong khoảng 23.100-270.000 USD, đến từ thủy sản, du lịch, giải trí và các giá trị thẩm mỹ khác.
Tuy nhiên, việc liên tục khai thác quá mức các nguồn tài nguyên biển và ven biển, thay đổi môi trường sống, ô nhiễm và biến đổi khí hậu, và nhiều nguyên nhân khác đang làm mất đa dạng sinh học, đe dọa đến tài nguyên biển phong phú của khu vực ASEAN.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ Businessmirror)