Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình UBTVQH lần này cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, sáng 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, một số vấn đề của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng vừa bảo đảm tính khả thi như: quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật nhiều ý kiến còn khác nhau như: về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác phòng chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bế mạc. Trước khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Cần Thơ; Tổng kết kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Theo VOV