Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, ước tính hiện đang có khoảng 370 triệu người bản địa đang sống tại 90 quốc gia trên thế giới và chiếm khoảng 5% trong tổng dân số toàn cầu. Người bản địa sử dụng 7.000 tiếng khác nhau, cùng lúc cũng là đại diện cho hơn 5.000 nét văn hóa độc đáo.
Thế giới chung tay bảo vệ quyền và lợi ích của dân tộc bản địa. Ảnh: UN
Bị ảnh hưởng bởi đà phát triển toàn cầu, nhiều người dân bản địa đã và đang phải đối mặt với cảnh mất lãnh thổ sinh sống và suy giảm nguồn lực nghiêm trọng. Do đó, một lượng lớn người dân bản địa đã và đang có xu hướng di cư đến các khu đô thị để tìm kiếm việc làm và cải thiện chất lượng sống cho bản thân. Ngoài ra, xu hướng di cư đến vùng đất mới của người bản địa cũng được hình thành để tránh xung đột và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cụ thể, ước tính có đến 40% người dân bản địa đang sống trong khu vực thành thị ở Mỹ Latinh, thậm chí con số này có thể đạt đến 80% tại một số nước trong khu vực. Trong trường hợp vấn đề này kéo dài, có thể các bản sắc dân tộc sẽ bị triệt tiêu. Trước nhiều áp lực, người bản địa được thế giới công nhận là nhóm người dễ tổn thương nhất.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Liên Hiệp Quốc tuyên bố chọn ngày 9/8 là Ngày Quốc tế dân tộc bản địa thế giới, để kêu gọi tăng cường hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng đến quyền của các dân tộc bản địa. Trong đó, chủ đề của năm 2018 sẽ tập trung phân tích tình hình hiện tại của lãnh thổ bản địa cũng như nguyên nhân sâu xa của trong trào di cư... Việc khai thác tối đa gốc rễ của vấn đề sẽ là bàn đạp tốt để triển khai các biện pháp tích cực, hỗ trợ phục hồi bản sắc của dân tộc bản địa và khuyến khích người bản địa bảo vệ tốt quyền lợi chính đáng của mình.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ UN)