Công nhân Công ty CP Dệt may Huế ăn trưa tại công ty

Nâng chất lượng thỏa ước

Chị Phạm Thị Mai, công nhân Công ty cổ phần (CP) Dệt may Huế cho biết, thông qua các buổi đối thoại với người lao động (NLĐ) hàng quý, các yêu cầu, tâm tư nguyện vọng của NLĐ đều được ghi nhận và có những điều chỉnh, phản hồi kịp thời. Trên cơ sở đó, công đoàn công ty đã cùng ban lãnh đạo xây dựng, điều chỉnh TƯLĐTT với nhiều điều khoản có lợi, giúp NLĐ an tâm gắn bó với công ty.

Theo bà Trần Kim Oanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dệt may Huế, TƯLĐTT là một trong những nội dung được công đoàn quan tâm nhằm bảo vệ quyền lợi và phúc lợi tốt hơn cho NLĐ. Hiện TƯLĐTT của công ty được xây dựng khá tốt với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ như: đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, hỗ trợ xăng xe di chuyển, bố trí phương tiện đi ca, tổ chức khám sức khỏe định kỳ…

Ông Ngô Châu Phương, Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đánh giá, nhiều doanh nghiệp và công đoàn cơ sở (CĐCS) đã chấp hành nghiêm quy trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT và gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Quá trình thương lượng, CĐCS đã chủ động đưa ra được những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật như: tiền lương tối thiểu cao hơn 5 - 7% so với mức lương tối thiểu vùng; thưởng tháng lương thứ 13; hiếu, hỉ, trợ cấp khó khăn, tham quan, học tập, nghỉ mát được thể hiện tương đối rõ, góp phần tạo sự phát triển bền vững, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Trong đó, nội dung ăn ca được nhiều đơn vị đưa vào TƯLĐTT và giá trị bữa ăn ca ngày càng được cải thiện đáng kể, như: Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu PISICO 30.000 đồng/suất, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm 23.000 đồng/suất, Công ty TNHH MTV Làng du lịch Villa Louise: 17.000 đ/suất...

Phấn đấu 100% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn xây dựng được thỏa ước

Đến tháng 5/2018, toàn tỉnh có 170/253 CĐCS doanh nghiệp có ký kết TƯLĐTT, đạt tỷ lệ 67,2%; nhưng chỉ có 71/170 thỏa ước còn hiệu lực, đạt tỷ lệ 41,8%. Theo Hướng dẫn chấm điểm, xếp loại thỏa ước của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong số 170 CĐCS doanh nghiệp có ký kết TƯLĐTT có 2,4% thỏa ước đạt loại A, 5,3% thỏa ước đạt loại B, 8,8% thỏa ước đạt loại C, 26,5% thỏa ước đạt loại D và 57% thỏa ước không được xếp loại.

Ông Ngô Châu Phương lý giải, 57% thỏa ước không được xếp loại thực chất là những thỏa ước đã hết hạn, chưa được chủ sử dụng lao động tiếp tục ký kết và có điều khoản trái luật. Hiện nay, số lượng cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở còn ít, đảm đương nhiều công việc nên chưa kịp thời hướng dẫn cán bộ CĐCS thực hiện xây dựng thỏa ước mới, sửa đổi, bổ sung khi thỏa ước hết thời hạn, hoặc có điều khoản trái luật. Để đạt những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với luật đòi hỏi cán bộ công đoàn phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, phương pháp trong quá trình thương lượng, đàm phán. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn hạn chế trong việc tham gia, phối hợp, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ CĐCS thương lượng, ký kết TƯLĐTT. 

Ngoài ra, việc ký kết TƯLĐTT còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện của đơn vị. Chẳng hạn, các đơn vị sản xuất kinh doanh thực sự khó khăn, ngừng hoạt động chờ giải thể nên không thể tiếp tục thương lượng, ký kết lại TƯLĐTT đã hết hạn. Hay, đơn vị mới thành lập, bộ máy nhân sự và hoạt động sản xuất kinh doanh chưa ổn định, chưa thể đàm phán để ký kết TƯLĐTT.

Trước tình hình đó, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo Ban Chính sách – Pháp luật trực tiếp tham gia hướng dẫn công đoàn các cấp và CĐCS trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Đối với những đơn vị chưa có TƯLĐTT, cần trực tiếp hướng dẫn CĐCS thực hiện đúng quy trình, thủ tục thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT. Đồng thời, chú trọng đến việc tổ chức thực hiện TƯLĐTT sau khi ký kết thỏa ước, gồm: công khai phổ biến thỏa ước đến NLĐ; gửi thỏa ước đến các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định; CĐCS giám sát việc thực hiện TƯLĐTT; định kỳ tự chấm điểm, đánh giá chất lượng thỏa ước; rà roát, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT.

Đối với những đơn vị đã có TƯLĐTT nhưng đã hết hạn hoặc còn hạn nhưng có những điều khoản trái với quy định của pháp luật, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo hướng dẫn thương lượng, ký kết lại TƯLĐTT mới. Trong đó, hướng dẫn lưu ý giữ lại những điều khoản có lợi cho NLĐ, thương lượng lại với những điều khoản có lợi hơn và không sao chép lại quy định của pháp luật hiện hành.

“Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh phấn đấu 100% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn xây dựng được TƯLĐTT với các điều khoản có lợi hơn so với luật; giảm tỷ lệ thỏa ước không xếp loại do hết hạn dưới 20% và không có TƯLĐTT trái luật. Chú trọng đảm bảo giá trị bữa ăn ca thấp nhất là 15.000 đồng/bữa và tỷ lệ doanh nghiệp có ghi nội dung hỗ trợ bữa ăn ca vào TƯLĐTT đạt từ 80% trở lên trên tổng số doanh nghiệp có thỏa ước”- ông Ngô Châu Phương khẳng định.

Bài, ảnh: Minh Nguyên